xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Cơ chế đặc biệt" gỡ vướng cho khoa học, công nghệ

VĂN DUẨN - MINH CHIẾN

Khát vọng đưa đất nước phát triển đột phá dựa vào khoa học, công nghệ sẽ thành hiện thực nhờ quyết tâm của Đảng, được thể chế hóa bằng nghị quyết của Quốc hội

Sáng 17-2, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về: Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ (KH-CN) và đổi mới sáng tạo; các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tháo gỡ các điểm nghẽn

GS-TS Hoàng Văn Cường (đại biểu (ĐB) QH đoàn Hà Nội), nguyên phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định những khát vọng của chúng ta muốn đưa đất nước phát triển đột phá dựa vào KH-CN sẽ trở thành hiện thực nhờ có quyết tâm của Đảng thông qua Nghị quyết, thể chế hóa bằng nghị quyết của QH. Đây sẽ là động lực rất lớn để yên tâm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu KH-CN.

Vị ĐBQH đoàn Hà Nội rất đồng tình với nhiều điểm đã tháo gỡ những nút thắt về thể chế hiện nay như: tăng ngân sách đầu tư và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu KH-CN. Trong nghiên cứu, chưa thể biết được là có kết quả hay không, giống như người khai thác dầu khí, có khi 10 mũi khoan may ra mới được một mũi có dầu. "Dầu khí còn biết rằng khoan ra ở dưới có dầu. Nhưng nghiên cứu khoa học thì chưa biết phía sau là gì, cho nên chấp nhận rủi ro còn nhiều hơn. Do vậy, đây là một lối mở rất lớn để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu" - ông nói.

Việc thực hiện khoán chi cho các hoạt động trong quá trình nghiên cứu cũng sẽ giúp các nhà khoa học không phải bận tâm việc phải thực hiện các thủ tục hành chính, giấy tờ, bởi hiện nay thời gian để chi cho công việc hành chính còn nhiều hơn cả hoạt động nghiên cứu. Ông Cường cũng đề nghị bỏ tất cả những quy định liên quan đến đấu thầu trong nghiên cứu KH-CN, thay vào đó chuyển sang cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ và khoán chi.

ĐB Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) kiến nghị bổ sung các chính sách để bảo đảm đầu ra của các nghiên cứu KH-CN trong nước, trong đó tập trung vào việc có chính sách để nhà nước trở thành khách hàng đầu tiên và quan trọng nhất đối với các kết quả nghiên cứu. Trong khi ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đề nghị cần có thêm cơ chế miễn trách nhiệm hình sự với cá nhân hoạt động nghiên cứu KH-CN nếu đáp ứng các tiêu chí về tính khách quan, về quy trình thủ tục, thì ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) quan tâm đến các cơ chế, chính sách về thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, bởi theo ông dự thảo Nghị quyết thể hiện nội dung này chưa rõ.

Theo ĐB Nguyễn Anh Trí, đây là nội dung rất cần thiết vì tạo động lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Khi kết quả nghiên cứu được thương mại hóa, sẽ tạo ra vị thế của lĩnh vực này trong đời sống xã hội, góp phần nâng cao vị thế quốc gia, bảo đảm đời sống cho các nhà khoa học. Trên thế giới, nhờ thương mại hóa, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã trở thành "hàng hóa trí tuệ đặc biệt". Còn ở trong nước, đã có kết quả nghiên cứu khoa học được thương mại hóa, nhưng không nhiều, hầu hết không được đưa vào thực tiễn. "Thậm chí kết quả nghiên cứu khoa học chỉ ở trong ngăn kéo cho đến lạc hậu với thời cuộc" - ĐB Trí nêu.

Giải trình, làm rõ những ý kiến ĐB nêu, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết Nghị quyết thí điểm không có tham vọng tháo gỡ mọi điểm nghẽn, nhất là khi nghị quyết được chuẩn bị trong một thời gian ngắn, mà tập trung vào thí điểm một số ít chính sách, cơ chế đặc biệt thuộc thẩm quyền của QH về cơ bản đã rõ và có thể thực thi ngay, đánh trúng vào các điểm nghẽn kéo dài, đánh trúng vào các vấn đề cấp bách để tạo ra sự phát triển đột phá, thực hiện được ngay Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Tháng 5-2025, QH sẽ thông qua Luật KH-CN và Đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp công nghệ số và tiếp theo sẽ là các luật liên quan khác. Đây sẽ là cơ hội để tiếp tục giải quyết căn cơ hơn các vấn đề thể chế, chính sách và cơ chế cho KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đại biểu Trịnh Xuân An góp ý tại cuộc họp Quốc hội vào ngày 17-2Ảnh: LÂM HIỂN

Đại biểu Trịnh Xuân An góp ý tại cuộc họp Quốc hội vào ngày 17-2Ảnh: LÂM HIỂN

Chuẩn bị nhân lực cho điện hạt nhân

Về cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ, đánh giá toàn diện các rủi ro, có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng về mọi mặt, có chính sách quản lý và giải pháp trước mắt lẫn lâu dài bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả và bền vững. Phải chuẩn bị nguồn nhân lực để đáp ứng cho dự án, bởi nếu không bảo đảm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng cũng như vận hành nhà máy. Rất nhiều nhân lực từng chuẩn bị cho các dự án hiện đang làm việc ở bên ngoài và ở nước ngoài, trong khi dự thảo nghị quyết chưa nêu cơ chế, chính sách đặc thù đối với vấn đề này như đào tạo đội ngũ cán bộ, thu hút, tìm, chọn và giữ nhân tài...

ĐB Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cũng bày tỏ sự thống nhất rất cao về việc QH ban hành nghị quyết. Vị đại biểu từng là giảng viên Khoa Kỹ thuật hạt nhân (Trường Đại học Đà Lạt), đánh giá nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án điện hạt nhân đầu tiên của nước ta, tuy nhiên chúng ta không phải bắt đầu từ con số 0. Về lò phản ứng hạt nhân, bà Tú Anh cho biết kinh nghiệm vận hành lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt an toàn tuyệt đối mấy chục năm qua cũng ít nhiều được vận dụng. Bởi lẽ, nguyên tắc điều khiển phản ứng hạt nhân trong lò nghiên cứu và lò năng lượng là giống nhau.

ĐB Tú Anh đề xuất khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Luật Năng lượng nguyên tử - là một luật chuyên ngành với mục đích tạo hành lang pháp lý nhằm bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của quốc gia, dựa trên các khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA). Đây là một căn cứ vô cùng quan trọng để ban hành các văn bản quy phạm và hướng dẫn bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, trong đó có các vấn đề như thiết kế, chế tạo và xây dựng nhà máy điện hạt nhân, vận hành thử, vận hành chính thức nhà máy, quản lý thải phóng xạ, cũng như nguyên tắc quốc tế về ứng xử với nhà máy điện hạt nhân.

Nữ ĐB cũng đề nghị lưu tâm phát triển nguồn nhân lực và đào tạo. Số lượng nhân lực cho 2 tổ máy với công suất khoảng 1.200 MW theo hướng dẫn của IAEA là 1.200 người với chuyên môn bao gồm từ công nghệ hạt nhân, hệ thống điều khiển thiết bị kỹ thuật điện cơ khí, bảo vệ bức xạ hóa học, ứng phó sự cố vật lý như trong thủy nhiệt, quản lý thải phóng xạ, quản lý chất lượng, quản lý, bảo dưỡng và quản lý phụ tùng thay thế. Đồng thời cần phát triển đội ngũ các nhà nghiên cứu, các kỹ sư, kỹ thuật viên để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hôm nay (18-2), QH họp riêng, thảo luận, biểu quyết thông qua các Nghị quyết của QH về: cơ cấu tổ chức của Chính phủ, cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa XV (sửa đổi); tổ chức các cơ quan của QH; số thành viên của UBTVQH khóa XV (sửa đổi); công tác nhân sự. 

Sửa tên "kỳ họp bất thường" thành "kỳ họp không thường lệ"

Chiều 17-2, với 461/461 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 96,44% tổng số ĐBQH, QH đã biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH.

Đáng chú ý, luật mới quy định QH họp "thường lệ" mỗi năm 2 kỳ. Kỳ họp "không thường lệ" của QH được tổ chức khi có yêu cầu của Chủ tịch nước, UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số ĐBQH để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách thuộc thẩm quyền.

Điều 39 của luật mới quy định về việc tạm đình chỉ hoặc mất quyền ĐBQH. Trong đó, UBTVQH xem xét, quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH trong các trường hợp: ĐBQH bị khởi tố bị can; trong quá trình xem xét, xử lý hành vi vi phạm của ĐBQH, có cơ sở xác định phải xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên đối với ĐBQH là cán bộ, công chức, viên chức hoặc xử lý bằng pháp luật hình sự...


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo