Phóng viên: Ông có thể giải thích vì sao cần có những chính sách đặc thù để phát triển các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP HCM?
- Ông TRẦN VĂN LÂM, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: Các dự án đường sắt đô thị có quy mô vốn rất lớn. Vì vậy, việc huy động, bố trí nguồn vốn đáp ứng được nhu cầu là rất khó khăn. Bên cạnh đó, thời gian triển khai các dự án cũng rất dài, nhiều dự án có thể kéo dài đến hàng chục năm theo yêu cầu. Trong thời gian dài như vậy, các cơ chế, chính sách sẽ có sự thay đổi, biến động khiến việc triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
![Cơ chế vượt trội cho đường sắt đô thị- Ảnh 1. Cơ chế vượt trội cho đường sắt đô thị- Ảnh 1.](https://nld.mediacdn.vn/291774122806476800/2025/2/16/2-db-tran-van-lam-tra-loi-phong-vien-bao-nld-web-17397162255831291227221.jpg)
Thực tế vừa qua cũng cho thấy việc thực hiện các dự án đường sắt đô thị của Hà Nội và TP HCM đều gặp vướng mắc, bị kéo dài thời gian, chậm tiến độ, dẫn đến đội vốn, giảm hiệu quả. Rút kinh nghiệm từ các dự án đã và đang triển khai, Hà Nội và TP HCM đã đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù về huy động vốn, thủ tục đầu tư, quy hoạch, thiết kế, nguồn nhân lực... trong thực hiện các dự án đường sắt đô thị. Đây đều là những lĩnh vực, vấn đề đang vướng mắc, đã nảy sinh hoặc rất dễ nảy sinh vướng mắc. Hai địa phương đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ những vấn đề phát sinh là rất hợp lý.
Chúng ta đang triển khai các dự án lớn như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, có chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 này, Quốc hội cũng bàn về chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Việc Chính phủ, bộ, ngành, địa phương đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù để tạo điều kiện cho việc triển khai các dự án được thông suốt là cần thiết - bao gồm xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM.
Làm đường sắt đô thị cần nguồn lực về vốn rất lớn. Vậy làm sao để huy động được nguồn lực từ xã hội, từ các doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia một phần?
- Đất nước đang trên đà phát triển, các nguồn lực rất nhiều nhưng vấn đề là cần chính sách để huy động.
Trong đó, phải kể đến nguồn lực ngân sách khi thu ngân sách hằng năm đều vượt thu hơn 10% và mấy năm qua, tổng thu ngân sách vượt đến hàng triệu tỉ đồng. Nguồn lực này rất lớn nhưng phân bổ, bố trí sử dụng như thế nào là điều đáng lưu tâm bởi hiện nay, chúng ta đang ưu tiên giảm bội chi, không được phép đầu tư. Cần chính sách cho phép ưu tiên sử dụng nguồn thu ngân sách vào đầu tư công trình, dự án lớn. Đây là điểm khác biệt, thay đổi so với quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước và phải được Quốc hội cho phép để thực hiện.
![Cơ chế vượt trội cho đường sắt đô thị- Ảnh 2. Cơ chế vượt trội cho đường sắt đô thị- Ảnh 2.](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2025/2/16/2-metro-so-1-anh-hoang-trieu2-17397162256132100261631.jpg)
Phát triển đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ không chỉ giải quyết nhu cầu vận tải mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Với mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), để huy động các nguồn lực tập trung, số tiền thu được từ các quỹ đất cần được ưu tiên bố trí sử dụng cho các dự án này. Đây cũng là một kênh huy động nguồn lực quan trọng.
Về thứ tự ưu tiên của các dự án, phải làm sao để hạn chế việc đầu tư dàn trải, dồn vốn cho các dự án đường sắt đô thị. Vấn đề này cần được định hướng khi bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn hay kế hoạch hằng năm.
Còn với các nguồn lực của tư nhân, cần có chính sách để huy động, thu hút. Nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn hoàn toàn có thể làm được các dự án lớn hoặc tham gia từng cấu phần của dự án. Chẳng hạn, có thể thu hút đầu tư tư nhân thông qua mô hình TOD, phương thức đối tác công - tư (PPP). Tuy nhiên, cần tháo gỡ nhiều vướng mắc liên quan hình thức PPP vì sau khi Luật Đầu tư theo phương thức PPP có hiệu lực, các dự án không thể triển khai được. Điều này chứng tỏ các quy định của luật chưa thực sự hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực nói chung cần phải thu hút, đặc biệt là đầu tư hạ tầng.
Còn với nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài thì sao, thưa ông?
- Chính phủ cũng huy động vốn đầu tư nước ngoài hay từ kênh trái phiếu cho các dự án, công trình lớn. Chúng ta có quy định trần nợ công nhưng cần quy định mức trần phù hợp theo hướng nới rộng hơn.
Khi tăng cường đầu tư, "tung" một lượng tiền lớn ra nền kinh tế thì lúc đó, các chỉ số về lạm phát, bội chi, nợ công, nợ địa phương, nợ Chính phủ... cũng phải có sự điều chỉnh cho phù hợp. Những chỉ tiêu này đã được Quốc hội thông qua nhưng cần xem xét, tính toán lại, coi đó như là một chính sách đặc thù trong tổng thể các chính sách, cơ chế đặc thù để huy động các nguồn lực phục vụ xây dựng các công trình, dự án lớn của địa phương, quốc gia.
Đại biểu Quốc hội HOÀNG VĂN CƯỜNG:
Phát triển đường sắt song song với chỉnh trang đô thị
Tôi tán đồng với việc cần ban hành một hệ thống các cơ chế, chính sách thật đặc thù, thật đặc biệt để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị của TP HCM và Hà Nội. Bởi lẽ, nếu không có một hệ thống chính sách thật sự đặc biệt thì không thể nào hình thành được một mạng lưới đường sắt trong thời gian ngắn. Nếu phát triển từng tuyến đường một thì không bao giờ phát huy được tác dụng. Đường sắt đô thị phải hình thành nên cả mạng lưới kết nối với nhau thì mới hiệu quả.
Việc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội và TP HCM hiện nay là phát triển trong điều kiện đô thị có rồi. Do vậy, triển khai mạng lưới này phải đi kèm với chỉnh trang đô thị. Những ga ngầm phát triển trong nội đô, không thuộc khu vực bảo tồn thì đồng thời là một điểm TOD, qua đó vừa giải quyết hiệu quả nhu cầu vận tải hành khách của tuyến đường sắt vừa góp phần vào việc cải tạo, chỉnh trang đô thị, đồng thời tạo được nguồn lực về vốn.
6 nhóm chính sách đặc thù
Tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 9, Chính phủ đã có tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP HCM.
Dự thảo gồm 11 điều, quy phạm hóa 6 nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt, gồm: huy động vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải.
Với nhóm chính sách về huy động vốn, Chính phủ đề xuất cơ chế Thủ tướng được quyết định bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn hằng năm cho địa phương; sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương hằng năm và các nguồn hợp pháp khác mà không phải theo thứ tự ưu tiên; huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà không phải lập đề xuất. HĐND thành phố có trách nhiệm bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm; vốn ngân sách địa phương, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, nguồn vốn hợp pháp khác. UBND thành phố được bố trí vốn để triển khai trước một số công việc phục vụ dự án (chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng...).
Với nhóm chính sách về trình tự, thủ tục đầu tư, dự án đường sắt đô thị sẽ không phải lập, thẩm định quyết định chủ trương đầu tư mà được thực hiện ngay thủ tục lập, thẩm định, quyết định đầu tư. UBND thành phố được quyết định việc phân chia dự án thành các dự án thành phần, tiểu dự án; gia hạn thời gian thực hiện nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư; chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, xây lắp và nhà đầu tư, được ứng trước ngân sách...
Đối với TP HCM, dự thảo nghị quyết đưa ra các quy định áp dụng riêng. Cụ thể, thành phố được thu và sử dụng tiền thu trong khu vực TOD; huy động vốn thông qua các khoản vay phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; được tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất để chỉnh trang, phát triển đô thị.
Bình luận (0)