Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Phụ trách Khoa phụ, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho biết nữ bệnh nhân 44 tuổi (ở Hà Nội), nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, sốt, bụng cứng và sờ thấy khối u. Xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân có tình trạng nhiễm trùng rất nặng.
Kết quả siêu âm và thăm khám phát hiện bệnh nhân có khối u buồng trứng lớn chèn ép vào các cơ quan xung quanh.
Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật khẩn cấp. Nếu không được can thiệp kịp thời, vi khuẩn có thể qua khối u đi vào máu gây số nhiễm trùng, nhiễm độc dẫn đến tử vong.
Nữ bệnh nhân cho biết chị phát hiện khối u từ 2 năm trước nhưng do khối u nhỏ và không gây đau nên chỉ điều trị, dù bác sĩ khuyến cáo nên phẫu thuật. Vài tháng gần đây, khối u tăng kích thước nhanh chóng.
Bác sĩ Tiến cho biết thách thức lớn nhất trong quá trình phẫu thuật là khối u quá to đã dính chặt vào các cơ quan xung quanh như ruột non, phúc mạc và đại tràng, nguy cơ làm tổn thương các cơ quan khác.
Sau khi bóc tách, bác sĩ phải cắt toàn bộ buồng trứng bên phải của bệnh nhân. Khối u được lấy ra có đường kính lên đến 25 cm.
Bác sĩ Tiến cho biết việc cắt bỏ buồng trứng không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bệnh nhân mà còn gây ra các vấn đề nội tiết, dẫn đến các triệu chứng như loãng xương, mất ngủ, bốc hỏa - đặc trưng của mãn kinh sớm. Nếu bệnh nhân đi khám và điều trị sớm, bác sĩ có thể bóc tách khối u, bảo tồn buồng trứng, tránh những hệ lụy này.
Để tránh những nguy cơ nói trên, bác sĩ khuyến cáo phụ nữ cần đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu: Đau bụng kéo dài, đặc biệt ở vùng bụng dưới; sốt nhẹ kéo dài không rõ nguyên nhân; bụng to lên bất thường, sờ thấy khối chắc.
Khối u buồng trứng thường gặp nhất ở phụ nữ từ 30-50 tuổi, đặc biệt ở những người có tiền sử người thân trong gia đình từng mắc bệnh.
"Nhiều chị em thường lầm tưởng bụng to là do ăn nhiều hoặc béo lên, nhưng thực chất đó có thể là dấu hiệu của khối u buồng trứng. Khi phát hiện những triệu chứng này, cần đến bệnh viện thăm khám ngay"- bác sĩ Tiến lưu ý.
Bình luận (0)