Cả tuần nay, chưa đêm nào chị Minh Thư (25 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP HCM) ngủ quá 2 giờ vì con quấy khóc. Trong khi đó, chồng Thư lấy cớ đi làm sớm nên "vô tư" ngủ, mặc vợ tự xoay xở.
Ham chơi, không quan tâm vợ con
Yêu nhau hơn 2 năm, chị Thư quyết định kết hôn vì thấy anh là người chững chạc, biết suy nghĩ cho tương lai, công việc ổn định và luôn chia sẻ, lắng nghe những khi bạn gái gặp áp lực. Thế nhưng sau khi về chung nhà, chồng Thư như biến thành con người khác.
Mọi việc, từ chi tiêu, thuê nhà, nấu ăn, giặt giũ, lên kế hoạch cho tương lai..., anh phó mặc tất cả cho vợ. Buông công việc cơ quan, về đến nhà, anh "lang thang" trên mạng xã hội, chơi game từ chiều đến khuya hoặc tụ tập quán cà phê, quán nhậu với bạn bè, không buồn quan tâm vợ con.
"Ngày đau bụng sinh con, gọi điện thoại cho anh không được, tôi tự bắt taxi đi bệnh viện. Mẹ tôi phải vào bệnh viện chăm sóc. Sáng hôm sau anh mới đến vì "tối hôm qua say quá, lại tắt chuông nên không biết em gọi". Tôi thấy mình cô đơn trong cuộc hôn nhân này" - Thư buồn bã nói.
Mới cưới hơn 1 năm nhưng vợ chồng Thanh Nga (cùng 26 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) đã chuẩn bị dẫn nhau ra tòa ly hôn.
Chị Nga kể chồng có tính hay "méc" phụ huynh, lần nào bất đồng với vợ, dù là chuyện nhỏ song anh lại gọi cho mẹ hay chị gái để "giãi bày". Lúc vợ chồng giận nhau, anh không thèm nói chuyện trực tiếp, chỉ nhắn tin gây sự rồi chụp màn hình đưa mẹ xem khiến bà gọi điện trách móc, cho rằng chị hỗn hào, không tôn trọng chồng.
Chưa kể, đã lập gia đình, anh vẫn đưa phần lớn thu nhập cho mẹ giữ. Chị Nga nhiều lần thủ thỉ bảo chồng tài chính thì vợ chồng làm chủ để còn tính toán cho tương lai có căn nhà riêng, cuộc sống riêng nhưng anh làm lơ. Câu chuyện đến tai mẹ chồng, bà lạnh lùng trách: "Con sợ mẹ tiêu hết tiền hả?".
Lấy chồng đã 20 năm, chị Tú (43 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) nói mệt mỏi, cảm thấy cô đơn bởi phải lao đầu làm việc khi sống bên cạnh người chồng "không chịu lớn".
"Tôi làm giáo viên, nhờ dạy thêm nên cũng có chút thu nhập, còn chồng không có nghề nghiệp ổn định. Lấy chồng bao nhiêu năm là từng ấy năm anh ỷ lại. Từ mua chung cư, chăm sóc gia đình, hiếu hỉ hai bên nội - ngoại, việc học của con..., một mình tôi lo hết. Tôi nhẫn nhịn, hy sinh, anh lại nghĩ việc đó là đương nhiên. Theo anh, phụ vợ làm việc vặt trong nhà là không đáng mặt đàn ông nên anh cứ lao đi làm "việc lớn" nhưng chưa lần nào thành công" - chị Tú thở dài.
Cần có những thỏa thuận
Theo thạc sĩ tâm lý hôn nhân và gia đình Nguyễn Phượng Uyên, cuộc sống gia đình sẽ trở nên bế tắc, mệt mỏi khi người vợ phải luôn nhẫn nhịn, chiều theo ý chồng.
Trong khi đó, nhiều người đàn ông "không chịu lớn", ích kỷ, ỷ lại do được nuông chiều từ nhỏ, chưa sẵn sàng gánh vác trách nhiệm làm chồng, làm cha hoặc tình yêu đã sụt giảm. Đơn giản nhất là một cái ôm, một lời cảm ơn, tán thưởng, động viên nhưng nhiều người chồng vẫn không làm được.
"Khi quyết định kết hôn, hãy thống nhất với nhau chăm sóc gia đình là trách nhiệm của cả hai, phân công việc nhà rõ ràng. Nếu chồng "vi phạm", ngay từ đầu, người vợ cần nhắc nhở, nhẹ nhàng nhưng cương quyết.
Đừng "mặt nặng mày nhẹ", cằn nhằn hay lên án sẽ khiến chồng xấu hổ, có phản ứng tiêu cực. Hãy để chồng nhận thấy hành động của anh có thể phá hoại hình ảnh người cha mẫu mực trong con. Dần dần tiềm thức của chồng sẽ hình thành thói quen gương mẫu, làm gương cho các con.
Ngoài ra, nên nhìn vào những ưu điểm của "nửa kia", có những lúc phải chấp nhận tính cách chưa phù hợp của nhau, khuyên bảo để cùng nhau hoàn thiện" - bà Nguyễn Phượng Uyên nói.
Còn theo chuyên viên tâm lý Trần Trung Kiên, khi người vợ cảm thấy quá tải công việc nhà, chăm sóc con vì thiếu sự hỗ trợ, sẻ chia từ chồng có thể dẫn đến bị căng thẳng, mất ngủ, rối loạn lo âu, thậm chí trầm cảm.
Tuy nhiên, khi chồng phản ứng lại như một đứa trẻ, vợ cũng nên xem xét lại cách cư xử của bản thân. Không người chồng nào thích bị vợ chỉ bảo từng li từng tí, kè kè bên cạnh để giám sát xem họ rửa chén có sạch không, dọn nhà có cẩn thận không...
Đừng xem chồng như một cậu bé, hãy đối xử với chồng là một người đàn ông trưởng thành, anh ấy sẽ hành động đúng như một người đàn ông.
"Người vợ có thể thống nhất đặt ra những giới hạn cho chồng, như mỗi tháng phải đóng góp bao nhiêu tiền hoặc phải đỡ đần vợ những công việc gì trong gia đình. Chỉ cần làm đúng theo thỏa thuận, chồng có thể tự do làm những gì mình thích như chơi game, tụ tập bạn bè... Chú ý giới hạn đặt ra phải hợp lý" - ông Trần Trung Kiên khuyên.
Các cặp đôi sắp kết hôn nên cùng học về cuộc sống tiền hôn nhân, chăm sóc con, kỹ năng vượt qua stress...
Bình luận (0)