Một đám đông học sinh THCS có những hành xử thiếu chuẩn mực nếu không muốn nói là rất hư! Các em đã tấn công cô giáo của mình bằng cả thái độ, lời nói lẫn hành động.
Clip lan truyền trên mạng xã hội cho thấy những hình ảnh không thể tưởng tượng ấy diễn ra tại ngôi trường của tỉnh Tuyên Quang.
Nói về vụ việc, Chủ tịch xã cho biết cô giáo dạy âm nhạc từng nhiều lần có phát ngôn "chợ búa" khi giao tiếp với học sinh, từng bị trường cảnh cáo vì hành vi này. Còn nhóm học sinh có thái độ không tôn trọng cô từ trước nên có phản ứng tiêu cực.
Nhưng đó là phát ngôn không chính thức. Vì vậy, bản chất của tình huống phản cảm trên vẫn còn là ẩn số.
Tuy nhiên, hai trong nhiều lý do có thể đoán định. Thứ nhất, trong đám đông kia có "thủ lĩnh" phát động và thực hành những hành vi vô lễ bởi sự thích thể hiện cái "oai" ngây thơ của mình. Thứ hai, nữ giáo viên có lẽ đã làm điều gì đó gây ấm ức khiến sự thiếu tôn trọng lâu ngày đồng loạt bùng phát.
Nhưng, có vì nguyên nhân gì đi nữa thì vẫn là câu chuyện rất buồn. Có điều, ngành giáo dục tỉnh ấy nói riêng, ngành giáo dục nhiều tỉnh thành nói chung và dư luận xã hội đừng vì thế mà hăm hở lên án.
Bởi lên án, nghĩa là bên cạnh sự thừa nhận, cam chịu thực tế còn thể hiện niềm mong muốn "trả đũa" thông qua hô hào trừng trị với lý do "để răn đe" lâu nay trở thành mô-tuýp. Tư duy buộc cái sai phải trả giá trong trường hợp cụ thể này rất nguy hiểm.
Lâu nay, những câu chuyện về sự đối lập mang tính xung khắc trong cách hiểu nhau giữa học sinh và giáo viên được các phương tiện truyền thông dẫn chứng và bình luận. Cùng với vô vàn lời công kích thì biện pháp xử lý áp dụng rất nhiều nhưng rồi những vụ sau vẫn cứ nối tiếp vụ trước với tính chất, mức độ khó kiểm soát.
Do vậy, thay vì lên án, hãy coi những hình ảnh ám ảnh trong clip là bài học giá trị cho những tương tác về giáo dục trong tương lai.
Những thất bại của mối quan hệ thầy trò, những bẽ bàng trong quản lý cảm xúc, những đớn đau của nhiều giá trị bị đi xuống, những cay đắng của thực tế đang dần trở nên không hiếm hoi… ấy sẽ giúp bậc cha mẹ, thầy cô nhìn lại quá trình làm "tấm gương cho trẻ" của mình rõ hơn.
Thứ nhất, cam chịu sự mâu thuẫn giữa chuẩn mực giáo dục đưa ra với việc thực hành các chuẩn mực ấy. Thứ hai, thay đổi nó thông qua việc trả lại đúng vị trí của thầy, của trò bằng những chính sách, quy chuẩn, biện pháp phù hợp.
Tương ứng với 2 phương án này chỉ có thể là các hình ảnh hoặc phùng mang, trợn má, kéo căng cổ họng để gắng đẩy cục đắng xuống dạ dày, hoặc chế biến, chuyển hóa nó thành món ngon cho những thành tựu giáo dục tới đây.
Tiếp cận vấn đề về xử lý, vun vén mối quan hệ thầy trò nói riêng, tương tác trong môi trường sư phạm nói chung như thế nào sẽ cho ra kết quả hay hậu quả như thế ấy. Ngay từ bây giờ, ai cũng có thể hình dung ra!.
Bình luận (0)