Bác tôi sinh năm 1961, có một cái tên rất đẹp - Nguyễn Phương Ngàn. Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội năm 1984, bác xung phong nhận công tác ở vùng sâu vùng xa của tỉnh Hà Nam Ninh. Đến năm 2015, bác Ngàn nghỉ hưu sau hơn 30 năm cống hiến trong vai trò giáo viên tiếng Anh tại các trường: THPT Gia Viễn C, Duy Tiên A, Bình Lục B và Bình Lục A. Bác tôi được nhiều thế hệ học trò kính trọng và yêu mến.
Nhẫn nại với học trò
Khi còn đi học, tôi thuộc nhóm kém môn tiếng Anh. Trong khi các môn học khác tôi tiếp thu nhanh và luôn đạt điểm cao, thì tiếng Anh lại là một thử thách lớn. Mặc dù tôi luôn nỗ lực theo sát bài giảng trên lớp, nhưng điểm số chỉ đạt mức vừa suýt soát thoát khỏi xếp loại học sinh trung bình và được học sinh tiên tiến. Vào kỳ nghỉ hè, gia đình đã động viên tôi đến chơi nhà bác Ngàn và nhờ bác dạy kèm tôi môn tiếng Anh. Bác trở thành cô giáo của tôi.
Bác Ngàn trong mắt tôi là một người phụ nữ hiền hòa và quan tâm con cháu. Tuy nhiên, tôi chưa từng tiếp xúc với bác trong vai trò học sinh và cô giáo, nên khi bước vào buổi học đầu tiên, tôi cảm thấy vô cùng hồi hộp. Cảm giác lo lắng về điểm số môn tiếng Anh như một ngọn núi đè nặng trong tâm trí tôi. Tôi sợ rằng dù bác nhiệt tình kèm cặp nhưng tôi vẫn chậm chạp trong việc tiếp thu. Tôi e ngại mình sẽ gây thất vọng cho bác và ba mẹ. Nhưng trái ngược với những lo âu của tôi, trong vai trò cô giáo, bác Ngàn ân cần và kiên nhẫn hơn bao giờ hết. Đôi mắt bác nhìn tôi vừa ấm áp vừa nghiêm nghị. Bác Ngàn khuyên tôi bình tĩnh và kiên trì với tiếng Anh, sẽ dần thấy môn học này không còn khó khăn.
Chúng tôi bắt đầu học tiếng Anh với bài học cơ bản nhất, tập đọc bảng chữ cái "English Alphabet", tập phát âm thật chuẩn từng ký tự. Thứ ngôn ngữ mà tôi nghĩ là "siêu khó" dần dần đi vào tâm trí tôi như tiếng nhạc, dễ nhớ và gần gũi hơn. Dần dần các bài học được nâng cao, bác lấy thật nhiều ví dụ cụ thể, sinh động và gần gũi với đời sống. Bác tôi đưa vào bài học những câu chuyện có nội dung dễ nhớ nhưng không để chúng xa rời chương trình sách giáo khoa. Những lúc tôi không hiểu bài, bác đều kiên nhẫn giảng giải. Nhờ có bác, tôi dần dần vượt qua ngọn núi trong lòng mình.
Dần dần, tôi cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn từ, âm thanh ngọt ngào và nhịp điệu du dương của ngôn ngữ Anh. Bác Ngàn đã đặt bàn tay tôi lên tay nắm cửa, mở ra một thế giới mới đầy màu sắc với những cuốn sách, bài hát và phim ảnh bằng tiếng Anh. Chúng không chỉ là phương tiện giải trí mà còn là bạn đồng hành với tôi trong hành trình khám phá văn hóa thế giới.
Đồng thời, bác Ngàn cũng giúp tôi thêm yêu thương ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Bác giúp tôi nhận thức được rằng tiếng Việt có giai điệu riêng, âm thanh riêng, tiếng nhạc riêng. Tiếng Việt tuyệt vời không kém gì ngôn ngữ quốc tế thịnh hành - tiếng Anh. Tôi tìm thấy sự hào hứng trong việc giao tiếp, viết lách, khám phá các khía cạnh khác nhau của hai ngôn ngữ và cảm thấy mình trưởng thành, phát triển từng ngày.
Chia sẻ áp lực với học trò
Nhờ vào khoảng thời gian quý báu được bác Ngàn tận tình kèm cặp dạy dỗ, tôi dần hiểu được nỗi vất vả và sự cống hiến của các thầy cô giáo. Tôi nhận ra rằng để có được những bài giảng thành công trên bục giảng, thầy cô đã phải chuẩn bị giáo án rất tỉ mỉ và công phu. Trong suốt hơn 30 năm giảng dạy của mình, bác tôi không ngừng học hỏi, tiếp thu những cái mới, nâng cao trình độ chuyên môn để việc dạy học đạt hiệu quả cao hơn. Trên chiếc bàn ăn nhỏ nơi căn bếp ngập ánh sáng, bác tôi cần mẫn, tâm huyết soạn thảo từng trang giáo án. Bác cẩn thận với từng bài giảng, tận tâm với từng giờ dạy và với từng học sinh.
Ngoài vai trò là giáo viên bộ môn, bác tôi còn đảm nhận công việc giáo viên chủ nhiệm trong nhiều năm. Khoảng thời gian ở nhà bác, tôi đã chứng kiến không ít lần các bậc phụ huynh đến gặp và chia sẻ với bác về sự bất lực trong việc kết nối với con cái của họ. Với sự nhẫn nại và lòng nhân ái, bác tôi luôn lắng nghe và chia sẻ bao tâm tư của phụ huynh, đồng thời đưa ra lời khuyên giải hợp lý để ba mẹ và con cái có thể hiểu nhau, cảm thông với nhau nhiều hơn.
Bác Ngàn không chỉ tập trung vào việc giải quyết các vấn đề học tập và thành tích của học trò. Bác luôn cố gắng lắng nghe và thấu hiểu tâm lý, cảm xúc của học sinh. Bác hiểu rằng học trò của bác - những cô cậu học sinh THPT - đang ở độ tuổi đầy thử thách, họ vừa phải tìm kiếm, định vị bản thân, vừa phải đối mặt với áp lực học tập và các mối quan hệ xã hội.
Đó cũng là cách bác Ngàn giúp chúng tôi thấy những giờ học tiếng Anh trở nên nhẹ nhàng và thú vị hơn. Tôi dần dần thấy háo hức, mong chờ tới giờ học tiếng Anh ở trường mình, không còn hồi hộp, lo lắng và e ngại như trước đó. Đến giờ, sau nhiều năm từ khi còn là cô học trò bé nhỏ ấy, tôi vẫn bền bỉ dành thời gian để học tiếng Anh mỗi ngày. Từng là một học sinh luôn sợ tiếng Anh, lo lắng về điểm số, tôi của hôm nay đã trở nên tự tin trong việc sử dụng ngôn ngữ Anh để giao tiếp với khách hàng, đối tác và đồng nghiệp.
Vào dịp 20-11 hằng năm, tôi đều thấy các anh chị, các bạn, các em… những học trò từng được bác Ngàn dạy dỗ và dìu dắt, đến thăm bác. Có những anh chị được bác dạy từ những năm 1984-1985, khi bác mới tốt nghiệp, vẫn đều đặn dành thời gian về thăm bác. Có người vừa gặp đã sà vào vòng tay bác Ngàn đang dang rộng, khóc òa và gọi "mẹ ơi". Có người đã trở thành giáo viên.
Mỗi khi học trò của bác Ngàn tới thăm, tôi lại được nghe kể về bao kỷ niệm đẹp của họ với bác: bác đã từng vá áo, nấu cơm cho học sinh để họ có đủ sức khỏe và tinh thần thoải mái học tập. Qua những câu chuyện đó, tôi càng thêm yêu mến và kính trọng bác Ngàn của mình.
Khích lệ, động viên
Tôi, cũng như bao học trò của bác Ngàn, luôn yên tâm chia sẻ những lo lắng, ước mơ và sự muộn phiền của mình với bác. Bác Ngàn luôn hết sức lắng nghe và cho tôi lời khuyên chân thành, không hề phán xét hay áp đặt. Sự quan tâm sâu sắc và khả năng thấu hiểu của bác tôi không chỉ giúp học sinh cảm thấy được động viên, khích lệ mà còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng môi trường học tập tích cực.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)