Kể từ khi bóng đá Việt Nam hội nhập quốc tế trở lại năm 1991 với sự dẫn dắt của HLV Vũ Văn Tư, đến nay tuyển quốc gia đã trải qua 14 đời thầy nội (cả tạm quyền lẫn chính thức). Còn lại, đội tuyển được các HLV ngoại cầm trịch.
Thành công luôn gắn với "người ngoài"!
Trong lịch sử, hầu hết thành công của đội tuyển quốc gia đều gắn với dấu ấn của các HLV ngoại. Nổi bật trong số đó là các HLV Karl-Heinz Weigang (người Đức, năm 1995-1996) , Alfred Riedl (người Áo, năm 1998-2000), Henrique Calisto (người Bồ Đào Nha, năm 2008-2010), Park Hang - seo ( người Hàn, 2017-2022).
Năm 1995, dưới tay ông thầy Weigang, lần đầu tiên tuyển Việt Nam giành HCB SEA Games Chaingmai (Thái Lan) rất ấn tượng kể từ sau khi đất nước thống nhất. Thành quả này khiến cả nước bùng nổ và hàng triệu người hâm mộ xuống đường ăn mừng.
Dưới thời HLV người Áo Alfred Ridle, dù tuyển Việt Nam không đoạt ngôi vị cao nhất trong các giải chính thức nhưng ông giúp tuyển Việt Nam giữ thành tích khá ổn định với biệt danh "Vua về nhì" ở cả SEA Games và AFF Cup ( tổng cộng 4 lần)
Thời HLV Calisto thì tạo ra thành tích ấn tượng hơn khi lần đầu tiên chúng ta vô địch Đông Nam Á ngay trên sân Mỹ Đình sau khi đá lượt đi - về với người Thái. Thành quả này một lần nữa khẳng định HLV ngoại là những người hội đủ kinh nghiệm, bản lĩnh và kiến thức bóng đá hiện đại để nâng tầm chất lượng đội tuyển Việt Nam.
Đỉnh cao cho sự thành công của bóng đá Việt trên trường quốc tế là dưới thời HLV Park Hang-seo. Tuyển quốc gia dưới tay ông Park liên tục chinh phục những cột mốc đáng nhớ mà không dễ gì về sau chúng ta có thể tái lập: Á quân U23 châu Á 2018, bán kết ASIAD 18; 2 HCV SEA Games 30-31; tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019 và có mặt ở vòng loại thứ ba World Cup 2022.
Dù cũng có không ít người nhận lấy những thất bại đáng quên khi dẫn dắt tuyển Việt Nam như Tavares, Dido, Letard, Falko Goezt, Toshiya Miura hay gần nhất là ông Troussier vì sự chủ quan và chưa thẩm thấu nhiều yếu tố khác, nhưng nhìn chung các HLV ngoại vẫn là nhân tố chủ đạo mang lại thành công cho tuyển quốc gia qua các thời kỳ.
Lý giải cho điều này là họ được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm, phương pháp huấn luyện hiện đại và có tầm nhìn, trải nghiệm thực chiến ở nhiều môi trường bóng đá đỉnh cao. Khả năng chịu sức ép tốt, lại kiên định với quan điểm, mục tiêu cùng với những hiểu biết nhất định về văn hóa con người Việt Nam giúp thầy ngoại dễ thành công hơn.
Ngược lại, những yếu tố vừa kể lại là thứ mà các HLV nội trước đây còn thiếu. Thành ra, rất khó để họ tạo nên sự khác biệt khi dẫn dắt tuyển quốc gia dù rằng thầy nội rất hiểu cầu thủ, thấm nhuần văn hóa bóng đá, đời sống con người trên chính quê hương mình.
HLV nội đã trưởng thành
Vài năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam đã sản sinh ra thế hệ HLV mới, tuổi đời khá trẻ. Trải qua môi trường bóng đá ngày càng chuyên nghiệp trong vai trò huấn luyện, lại được học các lớp đào tạo từ FIFA, AFC nên trình độ các HLV trong nước được nâng cao rõ rệt.
Hiện nay, nhiều người trong số đó đã sở hữu bằng Pro như các HLV Hoàng Anh Tuấn (Pro License), Phan Thanh Hùng, Nguyễn Đức Thắng, Lư Đình Tuấn, Phan Bá Hùng, Hoàng Văn Phúc, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Minh Phương. Chu Đình Nghiêm, Lê Đức Tuấn, Lê Quang Trãi... sở hữu chứng chỉ AFC Pro - điều kiện để trở thành HLV chuyên nghiệp và dẫn dắt tuyển quốc gia.
Phải khẳng định, ở sân chơi quốc nội hiện nay, các HLV trong nước đang khẳng định chỗ đứng khi những đội bóng họ dẫn dắt gặt hái được nhiều thành tích ấn tượng trong vài mùa bóng gần đây, kể cả hiện nay. HLV Vũ Hồng Việt, HLV Lê Huỳnh Đức, HLV Chu Đình Nghiêm, HLV Nguyễn Đức Thắng... đều ít nhiều tạo uy tín trên băng ghế huấn luyện tại sân chơi V-League 1.
Dù mấy năm qua, sân chơi số 1 Việt Nam có nhiều HLV ngoại chuyên môn cao như Kiatisak Semanueng (Thái Lan), Veliza Popov (Hunggary) trước đó là Mano Polking (Đức/Brazil), Chung Hae Song (Hàn) - cựu HLV CLB TP HCM... nhưng các HLV nội vẫn cho thấy sự cạnh tranh sòng phẳng, đầy tự tin.
Thậm chí mùa này tốp 5 CLB dẫn đầu V-League thì 3 trong số đó được dẫn dắt bởi các HLV nội chơi rất ấn tượng như Nam Định của HLV Vũ Hồng Việt ( xếp thứ nhất), Bình Dương của HLV Lê Huỳnh Đức (xếp thứ ba), Bình Định của HLV Bùi Đoàn Quang Huy (xếp thứ tư)...
Ở cấp độ các đội tuyển trẻ, VFF cũng tin tưởng và tận dụng nguồn "chất xám" nội như HLV Hoàng Anh Tuấn từng dẫn dắt tuyển U20 (dự VCK World Cup U20 thế giới 2017), giờ là tuyển U23 Việt Nam và HLV Trần Minh Chiến nắm đội tuyển U17 quốc gia.
Cơ hội cho HLV nội
Gần đây khi nhắc đến chiếc ghế "thuyền trưởng" tuyển Việt Nam, hầu hết các ý kiến đều nghiêng về "thầy ngoại vẫn tốt hơn". Đúng là chúng ta không thể phủ nhận HLV ngoại có nhiều ưu điểm, thế nhưng đã đến lúc VFF nên nghiêm túc mở rộng cơ hội cho các thầy nội. Thất bại từ quá khứ của những HLV nội khiến nhiều người bi quan "bụt nhà không thiêng" khi dẫn dắt đội tuyển. Thế nhưng chúng ta hãy công tâm đánh giá một cách toàn diện về năng lực cá nhân, bản lĩnh, trải nghiệm, bằng cấp của những HLV nội nổi bật hiện nay.
VFF cũng nên soát xét lại bối cảnh, mục tiêu và hướng đến tự chủ nguồn nhân lực nội địa cho nền bóng đá trước khi đưa ra quyết định. Mấu chốt vấn đề có khi chưa hẳn nằm ở yếu tố chuyên môn mà mọi thứ lại đến từ bản lĩnh biết vượt qua áp lực, sự vững vàng khi bị can thiệp từ bên ngoài (nếu có), cũng như tính độc lập khi ra quyết định. Vượt qua được "cửa ải" này thì cánh cửa đội tuyển quốc gia và tương lai thành công sẽ mở ra với những HLV "cây nhà lá vườn".
Giải U23 châu Á diễn ra tới đây sẽ là cơ hội để HLV nội như ông Hoàng Anh Tuấn thể hiện tài năng và bản lĩnh chính mình. Nếu như thành công với đội U23 tại giải lần này, đây có thể là bản lề để ông Tuấn tiếp quản chiếc ghế mà người tiền nhiệm HLV Troussier để lại.
Không gì là không thể!
HLV nội cần nỗ lực chứng minh rằng mình đã sẵn sàng cho chiếc ghế nóng. Thay vì luôn ở trong vùng an toàn, thầy nội cần biết đặt mình vào thử thách mới, biết rèn luyện sức chịu đựng để vượt qua sức ép lớn khi nắm đội tuyển.
Bình luận (0)