Chiều tối 7-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp (DN) và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế.
Thích ứng linh hoạt
Theo TTXVN, dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo hiệp hội DN, ngành hàng và lãnh đạo 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hiện nay tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, đồng thời cho rằng, điều này cũng là bình thường như từ đầu nhiệm kỳ đến nay, từ những khó khăn do đại dịch COVID-19 đến xung đột tại các khu vực gây đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, thiên tai, bão lũ.
Hiện nay, việc Mỹ áp dụng chính sách thuế quan mới, ảnh hưởng tới kinh tế thế giới nói chung, trong đó có nước ta. Tình hình có thể có khó khăn, song không khó khăn bằng những năm đầu đổi mới và càng không khó khăn bằng thời kỳ Việt Nam phải kháng chiến giành độc lập dân tộc, bị bao vây, cấm vận.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ trực tuyến với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về thương mại quốc tế. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định mỗi khi có khó khăn, dân tộc ta, đất nước ta lại càng có bản lĩnh, kinh nghiệm để trỗi dậy, ứng phó hiệu quả hơn với tình hình thực tiễn. Hiện nay, đất nước ta đã trưởng thành hơn, lớn mạnh, đủ bản lĩnh để thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bất cứ sự kiện, biến động gì xảy ra trên thế giới và khu vực; "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể".
Theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế còn khiêm tốn, xuất phát điểm thấp, độ mở cao, do đó, những biến động trên thế giới đều có thể ảnh hưởng đến nước ta. Việc Mỹ áp dụng chính sách thuế quan mới có thể có khó khăn, thách thức cho kinh tế Việt Nam, song đây cũng là cơ hội để chúng ta tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ chúng ta phải vươn lên mạnh mẽ, không được phép yếu đi, lưu ý, càng khó khăn, càng phải đoàn kết, càng phải chung sức, đồng lòng; khẳng định Đảng ta không có mục tiêu nào khác là mang lại độc lập, tự do cho dân tộc, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu các đại biểu đánh giá tình hình, phân tích khó khăn, thách thức phải đối mặt, đồng thời chỉ ra cơ hội và kiến nghị giải pháp để tiếp tục phát triển nhanh, bền vững; trước mắt đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025. Từ đó tạo đà, tạo lực, tạo thế để đạt mức tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới để đạt 2 mục tiêu 100 năm, đưa nước ta bước vào thời kỳ vươn mình giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Doanh nghiệp tích cực gỡ thuế đối ứng
Cùng ngày, ông Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT), đã chủ trì cuộc họp với đại diện các hiệp hội và DN có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ để kịp thời chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế.
Theo ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, dù mức thuế đối ứng mà Mỹ áp với hàng hóa Việt Nam là 46%, tuy nhiên áp dụng cho từng ngành là khác nhau. Do đó, cần có sự phân tích đánh giá một cách cụ thể hơn về biểu thuế sẽ áp đối với từng mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ.
Cùng với đó, trước mắt cần thông tin và tạo điều kiện (về logistics, thủ tục hải quan...) để các DN kịp đẩy nhanh việc giao hàng trước thời điểm ngày 9-4 và càng sớm càng tốt trong thời gian 1-3 tháng tới.
Các DN, hiệp hội cần chủ động trao đổi với khách hàng, đối tác nhập khẩu để có phương án xử lý các hợp đồng đã ký kết, cùng chia sẻ trách nhiệm khi bị áp thuế bổ sung.
Đại diện các hiệp hội, ngành hàng như: gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, cà phê, hạt tiêu, điều, trà, tôm, cá tra,… cho biết sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ, không chỉ DN Việt mà nhà nhập khẩu tại Mỹ cũng rất bất ngờ và lo lắng.
Phần lớn đã chọn giải pháp hoãn, thậm chí là hủy đơn hàng để hạn chế rủi ro bị áp thuế đối ứng khi hàng đến Mỹ. Do đó, các DN đang tích cực phối hợp cùng nhà nhập khẩu vận động để có mức thuế thấp nhất, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, hàng Mỹ không sản xuất được.
Các DN kiến nghị Chính phủ cần có những chương trình hỗ trợ tương tự như giai đoạn COVID-19 về giảm, miễn thuế, gói vay ưu đãi. Đặc biệt, kiến nghị ngành thuế đẩy nhanh việc hoàn thuế GTGT trong bối cảnh DN đang khó khăn về dòng tiền do đơn hàng bị hoãn, hủy.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua, Bộ và Chính phủ đã có nhiều động thái ngay sau khi Tổng thống Mỹ công bố mức thuế đối ứng mới, trong đó con số đưa ra với Việt Nam là 46%. Việt Nam mong muốn có thể đàm phán với phía Mỹ để đưa ra các giải pháp nhằm hạ mức thuế này. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh phải luôn chuẩn bị kịch bản cho tình huống xấu nhất là Mỹ vẫn áp dụng chính sách này.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy hoan nghênh cộng đồng các DN đã tích cực trong việc phối hợp cùng đàm phán với nhà nước. Ông kêu gọi cộng đồng DN nên ưu tiên quyền lợi ngành hàng và quyền lợi quốc gia hơn là quyền lợi riêng trong tình hình hiện nay.
Ông cũng nêu quan điểm của Việt Nam là chú trọng đàm phán, không đối đầu, bình tĩnh và phối hợp cùng đối tác tại Mỹ để họ cùng lên tiếng, vì quyền lợi người tiêu dùng của Mỹ. Trong đó, có thực hiện các giải pháp giúp tăng nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp Mỹ như: giảm thuế, gỡ các rào cản kỹ thuật, mở cửa sản phẩm mới (quýt, chanh vàng, mận).
Bộ NN-MT sẽ đồng hành cùng các DN trong việc đa dạng hóa thị trường, khai thác tốt hơn các thị trường Việt Nam đã có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) như: EU, Trung Quốc, Ấn Độ,…
Bình luận (0)