Ngày 8-5, TAND Cấp cao tại TP HCM tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Xuyên Việt Oil). Trong ngày đầu diễn ra phiên xét xử phúc thẩm (6-5) đã ghi nhận một số tình tiết đáng chú ý. Trong đó, gia đình bị cáo Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre (bị tuyên phạt 28 năm tù về tội "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi"), thông qua luật sư, cho biết họ đang làm đơn xin nộp thêm 10,2 tỉ đồng.
Xin nộp thêm 10,2 tỉ đồng
Theo trình bày của luật sư bào chữa cho bị cáo Thọ, số tiền 10,2 tỉ đồng sẽ được trích từ 3 sổ tiết kiệm đứng tên vợ bị cáo Thọ. Việc này nhằm thể hiện thiện chí và mong muốn khắc phục hậu quả của bị cáo. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng nội dung này cần được làm rõ hơn và đề nghị luật sư liên hệ ngân hàng để xác minh nguồn gốc của số tiền, đồng thời khẳng định sẽ hỗ trợ để quá trình khắc phục diễn ra thuận lợi.
Theo bản án sơ thẩm của TAND TP HCM, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, cựu Giám đốc Xuyên Việt Oil (bị tuyên án 30 năm tù về các tội: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", "Đưa hối lộ") bị buộc phải bồi thường hơn 1.400 tỉ đồng tiền thiệt hại cho nhà nước trong vụ án này. Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định bị cáo Hạnh nhiều lần tặng quà, tiền cho bị cáo Thọ, tổng cộng 670.000 USD, 300 triệu đồng và 4 đồng hồ hiệu Patek Philippe. HĐXX cho rằng sở dĩ bị cáo Hạnh tặng quà có giá trị lớn vì bị cáo Thọ lúc đó đang giữ chức vụ cao tại địa phương và thực tế bị cáo Thọ đã dùng chức vụ này để gây ảnh hưởng tới người khác nhằm tạo điều kiện cho bị cáo Hạnh kinh doanh tại địa phương.
Tại phiên sơ thẩm, bị cáo Thọ đã tự nguyện xin nộp lại số tài sản nêu trên, do đó HĐXX quyết định tịch thu sung công quỹ. Đồng thời, tòa cũng bác bỏ quan điểm của luật sư bào chữa đề nghị coi đây là tài sản của bị cáo Hạnh dùng để khắc phục hậu quả.
Cũng tại bản án sơ thẩm, HĐXX buộc bị cáo Thọ phải tiếp tục nộp lại 1,47 triệu USD, 300 triệu đồng, 1 bộ golf, 5 đồng hồ Patek Philippe và 1 ô tô. Đến nay, cơ quan điều tra đã thu giữ và gia đình bị cáo đã chủ động nộp lại 440.100 USD và hơn 25,6 tỉ đồng, cùng với bộ golf, 5 đồng hồ, 1 ô tô. Vì vậy, cấp sơ thẩm xác định để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án, chỉ cần tạm giữ 1 sổ tiết kiệm trị giá 5 tỉ đồng, còn lại 133 sổ tiết kiệm và giấy chứng nhận tiền gửi đã bị tạm giữ trước đó sẽ được trả cho bị cáo Thọ.
Đáng chú ý, tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo Thọ theo quy định tại điều 51 Bộ Luật Hình sự gồm: Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải (điểm s); người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án (điểm t); người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong công tác (điểm v).

Các bị cáo tại phiên xét xử phúc thẩm
Lời khai bất ngờ
Trở lại phiên phúc thẩm, nếu gia đình bị cáo thực sự nộp thêm 10,2 tỉ đồng thì hành vi này (nếu chưa được xem xét tại cấp sơ thẩm) có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ mới, theo quy định tại điều 355 Bộ Luật Tố tụng hình sự. Điều kiện để tình tiết này được công nhận bao gồm: số tiền có nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp và việc nộp tiền là tự nguyện, thể hiện thiện chí khắc phục hậu quả.
Theo một chuyên gia pháp lý, việc bổ sung tình tiết giảm nhẹ không có nghĩa là bị cáo sẽ chắc chắn được giảm án. Việc đánh giá hình phạt vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là bản chất, mức độ nghiêm trọng và hậu quả của hành vi phạm tội. Trong vụ án này, bị cáo Thọ bị xác định đã nhận nhiều tài sản có giá trị lớn từ bị cáo là giám đốc Xuyên Việt Oil trong thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, từ đó dùng uy tín và ảnh hưởng để tác động đến các đơn vị tài chính tại địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của bị cáo Hạnh. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức công vụ và kỷ luật Đảng, gây tổn hại lớn đến uy tín của bộ máy chính quyền.
Theo đó, có thể kết luận rằng việc gia đình bị cáo Thọ tự nguyện nộp thêm 10,2 tỉ đồng là một yếu tố tích cực, có khả năng được xem xét là tình tiết giảm nhẹ mới nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện nêu trên. Tuy nhiên, khả năng được giảm án thực sự còn phụ thuộc vào quyết định toàn diện và thận trọng của HĐXX phúc thẩm.
Trong ngày đầu tiên của phiên xét xử phúc thẩm, cả 7 bị cáo có kháng cáo đều giữ nguyên đề nghị được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Trong đó có bị cáo Trần Duy Đông (cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương), Hoàng Anh Tuấn và Nguyễn Lộc An (cùng là cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương), cùng Lê Duy Minh (cựu Cục trưởng Cục Thuế TP HCM). Họ thừa nhận các hành vi phạm tội mà bản án sơ thẩm đã xác định là chính xác, tuy nhiên cho rằng mức án mà tòa tuyên là quá nghiêm khắc.
Đáng chú ý, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, chủ mưu trong vụ án, đã có những lời khai gây bất ngờ. Bị cáo Hạnh khai khi bị cáo Thọ được điều động về công tác tại tỉnh Bến Tre, bị cáo đã lựa chọn mở công ty tại đây. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp của bị cáo đã đóng góp hàng trăm tỉ đồng tiền thuế cho ngân sách tỉnh và tích cực tham gia các hoạt động xã hội với tổng số tiền từ thiện lên tới hàng chục tỉ đồng. Trả lời thẩm vấn của đại diện VKS, bị cáo Hạnh cho biết đồng ý dùng toàn bộ số dư trong các tài khoản đang bị phong tỏa (khoảng 6,7 tỉ đồng) để khắc phục hậu quả vụ án. Nhưng bị cáo cũng thừa nhận hiện không còn khả năng khắc phục thêm do điều kiện tài chính cá nhân đã cạn kiệt.
Sau một ngày xét xử (6-5), TAND Cấp cao tại TP HCM đã quyết định tạm hoãn phiên tòa một ngày để các bị cáo có đơn xin tiếp tục khắc phục hậu quả vụ án hoàn tất thủ tục.
Bình luận (0)