Vừa trở về từ Hội chợ Triển lãm Dệt may và Thời trang - Texworld New York (Mỹ), bà Trần Hoàng Phú Xuân, Tổng Giám đốc Công ty CP Kết nối thời trang Faslink kiêm Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM (AGTEX), báo tin vui khu vực Vietnam Ho Chi Minh Pavillion tại sự kiện này đã đón rất nhiều khách tham quan trong suốt thời gian diễn ra triển lãm.
Sản phẩm "Made in Vietnam" được quan tâm
Theo bà Xuân, các doanh nghiệp (DN) thời trang tại Mỹ và các nước lân cận đang tìm kiếm nguồn cung từ các chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc nên sản phẩm từ Việt Nam nói chung và sản phẩm bền vững từ Faslink nói riêng rất được quan tâm.
Là DN dệt may "xanh", Faslink đã mang đến triển lãm chuyên ngành tại Mỹ các sản phẩm dệt may sản xuất từ bã cà phê và chai nhựa phế thải; vải sợi sen, vải sợi tái chế từ quần áo cũ. Theo bà Phú Xuân, qua tiếp xúc ban đầu, công ty đã sắp xếp được một số cuộc hẹn với các đối tác tại văn phòng công ty ở TP HCM để trao đổi chi tiết hơn về vị thế, năng lực sản xuất và khả năng hợp tác phát triển đơn hàng của Faslink.
Texworld New York là sự kiện đầu tiên Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) tổ chức cho đoàn 39 DN dệt may của TP HCM đi giới thiệu sản phẩm ở thị trường Mỹ. Tại sự kiện này, các gian hàng của DN Việt Nam được bố trí thành cụm với thiết kế riêng mang bản sắc Việt, giúp tăng nhận diện và tiếp cận khách hàng tốt hơn.
Đại diện AGTEX cho hay những ngày ở triển lãm giúp DN Việt hiểu rõ hơn về vị thế của hàng dệt may "Made in Vietnam" ở thị trường Mỹ cũng như toàn cầu, tạo tiền đề để DN quảng bá sản phẩm Việt không chỉ ở Mỹ mà còn nhiều thị trường khác.
Theo ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC, hiện nay Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành dệt may và thị trường này đang có sự phục hồi rất tốt. Thị trường Mỹ còn dư địa lớn để DN Việt khai thác, dù đang có sự so kè gay gắt từ các đối thủ cạnh tranh khác. "Các nhà mua hàng quốc tế và cả DN sản xuất, xuất khẩu dệt may từ Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka… cũng rất quan tâm đến gian hàng của DN dệt may Việt Nam. Ngược lại, các DN Việt rất tự tin có thể cạnh tranh được với hàng dệt may của các nước cả về chất lượng lẫn giá cả" - ông Lữ nhìn nhận.
Sau triển lãm, nhiều DN đã xác định Mỹ là thị trường trọng điểm cần khai thác. Bà Phú Xuân cho biết trước mắt công ty sẽ tập trung khai thác các dữ liệu khách hàng thu thập từ hội chợ để tìm hiểu thị trường, từng bước đưa sản phẩm đến thị trường Mỹ thông qua các đơn hàng nhỏ. Về dài hạn, công ty sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động triển lãm thường niên tại Mỹ như Texworld, Magic Show nhằm tăng nhận diện về sản phẩm "Made in Vietnam".
Củng cố, gia tăng lợi thế cạnh tranh
Sáu tháng đầu năm 2024, kinh tế toàn cầu ấm dần, nhu cầu tiêu dùng trở lại, ngành dệt may Việt Nam cũng khởi sắc với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 20 tỉ USD, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, tín hiệu vui là Việt Nam lần đầu tiên vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường Mỹ, khi đạt 6 tỉ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), DN đã có đơn hàng đến hết quý III và đang đàm phán cho quý IV - quý cao điểm sản xuất đơn hàng phục vụ thị trường mùa Giáng sinh và Tết dương lịch 2025. Hiện một số DN đã chuẩn bị cho việc đàm phán đơn hàng năm 2025.
Khảo sát mới đây của Hiệp hội Thời trang Mỹ (USFIA) về lợi thế cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ cho thấy Việt Nam có tổng điểm số cao hơn Trung Quốc và Bangladesh khi Mỹ đang có xu hướng chuyển đổi nhà cung cấp khỏi Trung Quốc. Vì vậy, trong dài hạn, ngành dệt may Việt Nam được kỳ vọng sẽ chiếm dần thị phần tại thị trường Mỹ.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy so với các quốc gia xuất khẩu dệt may khác, các DN dệt may Việt Nam đang có lợi thế hơn nhờ vị trí địa lý, hệ thống cảng lớn, khả năng sản xuất đa dạng các sản phẩm giá trị cao như áo vest, áo khoác mùa đông, đồ bơi… với mẫu mã phong phú, giao hàng nhanh. Tuy nhiên, trong dài hạn, nếu các nước bắt kịp khả năng sản xuất thì ngành dệt may Việt Nam sẽ đối mặt nhiều thách thức.
Để tránh khả năng này, VITAS khuyến nghị các DN cần tập trung đẩy mạnh đầu tư công nghệ, tối ưu hóa quy trình sản xuất và cung ứng cũng như tham gia sâu vào chuỗi giá trị OBM (sản xuất dưới thương hiệu gốc) hoặc ODM (sản xuất theo thiết kế gốc) để tạo lợi thế cạnh tranh bền vững so với các nước khác.
Theo VITAS, xuất khẩu sang Mỹ đang phục hồi tốt, khả năng sẽ kéo dài đến tháng 10-2024 do thị trường này đã tiêu thụ hết hàng tồn trong khi kinh tế Mỹ đang tăng trở lại, nhu cầu tiêu dùng cải thiện. Một số DN cũng đẩy mạnh chào bán sản phẩm may mặc nói riêng và dệt may nói chung vào Mỹ. "Năm nay, ngành dệt may đặt ra nhiệm vụ xuất khẩu 42,5 tỉ USD. Với lượng đơn hàng hiện nay của các DN và việc chuyển dịch đầu tư, chuyển dịch đơn hàng sang Việt Nam cũng như sức mua toàn cầu tăng nhẹ, năm nay khả năng xuất khẩu dệt may sẽ đạt khoảng 42 tỉ USD, bảo đảm mục tiêu đề ra" - ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, nêu dự đoán.
Áp lực về chi phí đầu tư ESG
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Phát triển Bền vững của VITAS, cho biết từ 7-8 năm trước, các DN xuất khẩu dệt may, trong đó có TCM, đã nhận được tín hiệu từ khách hàng về các tiêu chuẩn Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) nên đều có kế hoạch triển khai đầu tư cho phát triển bền vững. Đến nay, nhiều DN đã đáp ứng tốt các yêu cầu về phát triển bền vững, phát triển "xanh". Tuy nhiên, cũng còn một số DN phải chấp nhận mất đơn hàng vì chậm chuyển đổi, do không bố trí được tài chính để chuyển đổi. "Áp lực lớn nhất khi làm ESG chính là chi phí. Đầu tư cho phát triển bền vững rất tốn kém, khách hàng đòi hỏi phải "xanh", phải bảo vệ môi trường nhưng đơn giá lại không tăng. Vì vậy, chỉ những DN có năng lực tài chính mới đủ sức làm" - ông Tùng nói.
Bình luận (0)