xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cơ hội lớn từ chuyển đổi xanh (*): Tiếp sức cho doanh nghiệp

THÁI PHƯƠNG - THANH NHÂN - LÊ THÚY

Dòng vốn tín dụng xanh từ ngân hàng đang góp phần thúc đẩy kinh tế xanh phát triển bền vững hơn

Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp (DN) TP Thủ Đức - chỉ ra một thực tế hơn 80% DN vừa và nhỏ thiếu vốn đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh. Nhiều DN còn chần chừ trong việc chuyển đổi vì khi bắt tay vào làm, có quá nhiều yêu cầu phức tạp về thiết kế sinh thái, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, chuỗi cung ứng...

Đa dạng nguồn vốn

Theo ông Việt, khó khăn của DN là phải tính toán chi phí để đầu tư chuyển đổi xanh nhằm đáp ứng yêu cầu và phát triển thị trường trong bối cảnh thế giới còn nhiều biến động, DN phải bảo đảm kinh doanh có lãi. Hiện nay, ngành dệt may đã tiếp cận với năng lượng tái tạo như: điện áp mái, điện mặt trời. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng đủ khả năng tài chính để đầu tư phát triển song hành trong quá trình sản xuất và không phải ngân hàng (NH) nào cũng cấp vốn cho DN để đầu tư vào lĩnh vực này. "Ngành thời trang là ngành chuyển đổi về công nghệ nhanh nhất và cao nhất so với các ngành khác. Có thể nói giai đoạn hiện nay DN bị thâm hụt công nghệ, trong khi đầu tư cải tiến công nghệ đòi hỏi nguồn vốn lớn" - ông Việt nói.

Ông Nguyễn Thanh Lam, Giám đốc điều hành Công ty CP Lâm Việt, cũng thừa nhận khó khăn lớn nhất của DN khi chuyển hướng sản xuất theo phát triển bền vững là nguồn vốn. Vì vậy, DN kiến nghị Chính phủ xây dựng quỹ xanh, hỗ trợ DN chuyển đổi với lãi suất ưu đãi, hành lang pháp lý đơn giản.

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khi chuyển hướng sản xuất theo phát triển bền vững là nguồn vốn Ảnh: THÙY LINH

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khi chuyển hướng sản xuất theo phát triển bền vững là nguồn vốn .Ảnh: THÙY LINH

Trước áp lực về vốn trong quá trình chuyển đổi xanh của DN, nhiều NH thương mại đã và đang triển khai các gói tín dụng xanh, đồng thời xem đây là một trong những chiến lược trọng tâm của năm 2025.

Chủ tịch HĐQT NH Tiên Phong (TPBank) Đỗ Minh Phú nhấn mạnh tín dụng xanh là một trong những lĩnh vực mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế bền vững, được NH đẩy mạnh thời gian qua. Theo đó, tín dụng xanh đang trở thành xu hướng tất yếu, nhất là khi nhiều thị trường quốc tế đã đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường đối với hàng hóa nhập khẩu. Nhận thức được điều này, TPBank đã đẩy mạnh cấp vốn cho các dự án năng lượng sạch, sản xuất bền vững và công trình thân thiện với môi trường. "Cuối năm 2024, NH đã giải ngân gần 7.400 tỉ đồng cho các dự án xanh, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế" - ông Đỗ Minh Phú nói.

Trong khi đó, NH Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố khung trái phiếu xanh được xây dựng phù hợp với nguyên tắc của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA). NH xác định đây là bước đi quan trọng hướng tới phát triển bền vững, hỗ trợ DN và nền kinh tế chuyển đổi theo hướng xanh. Ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank, cho rằng có khung trái phiếu xanh sẽ bảo đảm nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu xanh được NH sử dụng để tài trợ các dự án đem lại những lợi ích về môi trường. Trong lĩnh vực thanh toán, Techcombank còn ra mắt thẻ thanh toán Techcombank Visa Eco (thẻ Eco) - thẻ xanh đầu tiên cho khách hàng ứng dụng công nghệ của Visa sẽ giúp theo dõi lượng khí thải nhà kính (carbon) khi chi tiêu, bù đắp carbon thông qua các dự án bảo vệ môi trường...

Tại NH Phương Đông (OCB), tỉ trọng dư nợ tín dụng xanh trên tổng dư nợ cũng liên tục gia tăng trong thời gian qua. Riêng năm 2024, OCB đã tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Năng lượng tái tạo bao gồm điện gió, điện mặt trời, thủy điện; công trình xanh tòa nhà A+; các nhà máy cung cấp nước và nông nghiệp thông minh bằng phương pháp nuôi trồng bền vững, tưới nhỏ giọt, lưu trữ/chứa nước… Tính đến cuối năm 2024, tín dụng xanh tại OCB tăng 30% so với năm 2023, là mức tăng trưởng tín dụng cao so với các NH trên toàn hệ thống.

Đại diện OCB cho biết sắp tới ngoài việc triển khai các gói tín dụng ưu đãi, NH sẽ đồng hành, tư vấn cho DN có thể đạt được các tiêu chuẩn về xanh theo thông lệ quốc tế, đáp ứng tiêu chuẩn nhận được các khoản tín dụng xanh này. "OCB có sản phẩm cho vay DN khởi nghiệp không tài sản bảo đảm, hạn mức vay lên đến 3 tỉ đồng. Thời hạn vay linh hoạt nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN khởi nghiệp trong quá trình gọi vốn. Chương trình sẽ đóng góp một phần vào sự phát triển của các start-up để có thể giúp họ trở thành các kỳ lân trong tương lai. Năm 2025, để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tín dụng xanh, NH sẽ tiến hành tập trung rà soát điều chỉnh các sản phẩm theo hướng "may đo" phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Phát triển hàng loạt sản phẩm mới mang tính đa dạng hóa sản phẩm đi kèm dịch vụ hóa hỗ trợ nhằm nâng cao tính cạnh tranh" - ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc khối khách hàng DN OCB, nói.

Vai trò then chốt của ngân hàng

Dù tín dụng xanh đang tăng tốc nhưng vẫn có không ít khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai các dự án chuyển đổi xanh. Bởi, quy mô đầu tư cần thiết để hiện thực hóa quá trình chuyển đổi sang năng lượng ít carbon của Việt Nam là rất lớn. Theo Kế hoạch phát triển điện VIII, chỉ riêng quá trình chuyển đổi năng lượng cần đến 650 tỉ USD từ năm 2021 đến năm 2050. Nguồn tài trợ này sẽ rất quan trọng để mở rộng công suất năng lượng tái tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng truyền tải năng lượng, hỗ trợ đầu tư nghiên cứu - phát triển (R&D) vào các công nghệ xanh mới như hydro, thu giữ carbon và pin hiệu quả hơn… Số tiền đầu tư này không thể chỉ được tài trợ bởi Chính phủ. Mức độ tham gia đáng kể của khu vực tư nhân là rất quan trọng. Và các NH sẽ có vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi này.

Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối NH - DN, NH UOB Việt Nam, nhận định các NH khi giải ngân vốn sẽ điều hướng nguồn vốn đến các dự án bền vững và tránh xa các ngành công nghiệp có hàm lượng carbon cao. Các sáng kiến tài chính xanh, chẳng hạn như trái phiếu xanh và các khoản vay bền vững, có thể huy động sự tham gia rộng rãi hơn của khu vực tư nhân vào các dự án carbon thấp. "Tại Việt Nam, UOB đã hỗ trợ 17 dự án năng lượng tái tạo. Gần đây, NH đã cấp một số khoản tài trợ thương mại xanh trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững. Dù vậy, đang có rào cản đáng kể như thiếu khuôn khổ phân loại xanh rõ ràng, rủi ro tài chính liên quan đến công nghệ mới" - ông Lim Dyi Chang nói.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NH Nhà nước, cho biết để thúc đẩy tín dụng xanh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

NH Nhà nước cũng kiến nghị cần xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh như thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển… của từng ngành, lĩnh vực một cách đồng bộ, thúc đẩy thực hành ESG, đồng thời thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh. Thời gian tới, NH Nhà nước sẽ hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh, báo cáo tình hình triển khai tín dụng xanh sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phân loại xanh quốc gia, hỗ trợ đào tạo nhân lực để có thể bắt kịp xu hướng này. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-2

Tọa đàm "Chuyển đổi xanh: Từ áp lực đến cơ hội kinh doanh"

8 giờ sáng nay, 19-2, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm "Chuyển đổi xanh:

Từ áp lực đến cơ hội kinh doanh" dưới hình thức trực tiếp tại trụ sở của báo ở

TP HCM kết hợp trực tuyến.

Tọa đàm sẽ tập trung thảo luận về các tiêu chuẩn xanh trong sản xuất - kinh doanh, xu hướng phát triển kinh tế xanh trên toàn cầu và ở Việt Nam, nguồn tài chính xanh và những vướng mắc trong tiến trình chuyển đổi xanh - nhất là vướng mắc liên quan khung pháp lý.

Tại đây, các DN sản xuất xanh cũng sẽ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển, tiêu thụ sản phẩm xanh ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Tín dụng xanh tăng 22% mỗi năm

Theo số liệu của NH Nhà nước, đến tháng 9-2024, dư nợ tín dụng xanh đạt trên 665.000 tỉ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm trước. Cho vay tín dụng xanh hiện chiếm tỉ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 43%) và nông nghiệp xanh (chiếm trên 30%). Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh bình quân đạt 22% mỗi năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của tín dụng kinh tế.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo