Sự kiện Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA ký thỏa thuận về hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ kéo theo hàng loạt công ty công nghệ khác đồng hành để xây dựng hệ sinh thái ở Việt Nam.
Cơ hội đặc biệt
Là một trong những nhà khoa học hàng đầu về vi mạch tại Việt Nam, Nhật Bản và có ảnh hưởng tại nhiều quốc gia, GS-TS Đặng Lương Mô, Chủ tịch danh dự Hội Vi mạch Bán dẫn TP HCM, đánh giá "cú bắt tay" giữa Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA là một tín hiệu rất tốt khi Việt Nam sẽ có thêm nguồn vốn, cơ hội đầu tư, phát triển, có cơ hội học hỏi - nhất là ở lĩnh vực chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm như AI.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Mỹ), cùng với việc mở rộng hoạt động tại Việt Nam, chắc chắn các nguồn lực, tầm quan trọng, giá trị tài sản vô hình và hữu hình của NVIDIA tại Việt Nam sẽ tăng lên nhiều lần. "Quan trọng nhất, NVIDIA không "đi một mình" mà sẽ có hàng loạt công ty công nghệ khác đồng hành để xây dựng hệ sinh thái AI tại Việt Nam" - ông Hoàng Anh Tuấn tin tưởng.
TS Trần Viết Huân, Chủ tịch Cộng đồng các giám đốc công nghệ thông tin Việt Nam, nhìn nhận Việt Nam đã dần trở thành thị trường hấp dẫn, sự lựa chọn của các "đại bàng" khi dịch chuyển hoạt động nghiên cứu - phát triển sản phẩm (R&D), phát triển AI. Trước NVIDIA, đã có nhiều tên tuổi lớn đẩy mạnh R&D tại Việt Nam như Samsung, Bosch...
TS Trần Viết Huân phân tích: Xu hướng dịch chuyển R&D sẽ tạo điều kiện để người Việt là chuyên gia công nghệ đang làm việc ở các tập đoàn nước ngoài có cơ hội quay về quê hương cống hiến nhờ được tiếp cận hàm lượng chuyên môn cao, mức lương phù hợp. Qua đó, góp phần tạo vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ của thế giới.
"Khi có môi trường chuyên nghiệp cùng chiến lược đào tạo nhân sự có chuyên môn về AI, chip bán dẫn... cùng sự hỗ trợ của tập đoàn công nghệ lớn trong nước và toàn cầu, Việt Nam sẽ có nhiều tiềm năng để bắt kịp xu hướng công nghệ của thế giới, thu hút thêm các "ông trùm" công nghệ tham gia vào thị trường" - TS Huân nhận định.
Theo ông Phan Phương Tùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn chuyển đổi số TP HCM (DXCenter), việc NVIDIA đăng tin tuyển dụng các vị trí hấp dẫn như kỹ sư kiểm thử cấp cao, kỹ sư công nghệ thông tin - mạng, quản lý cấp cao vận hành sản xuất... là cơ hội để nhân sự người Việt tăng cường kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ, khả năng thích nghi, đổi mới sáng tạo. "Tiếp cận sâu hơn khâu thiết kế chip và xây dựng AI sẽ giúp tiến trình phát triển công nghệ của Việt Nam được rút ngắn và giảm chi phí, công sức cực kỳ lớn" - ông Tùng khẳng định.
Nêu góc nhìn khác, TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong - Trung Quốc, cho rằng NVIDIA chỉ là đơn vị thiết kế chip, không trực tiếp sản xuất trong nước và xuất khẩu cho nước khác nên Việt Nam chỉ hưởng lợi trong phạm vi nhất định. "Tuy vậy, thay vì bắt đầu làm con chip từ số 0, Việt Nam có tham gia khâu thiết kế cho từng nhiệm vụ khác nhau, như chip AI dùng cho camera, ô tô... với sự hỗ trợ của NVIDIA. Điều này tạo ra sự khác biệt rất lớn và hiệu quả cực cao, hơn rất nhiều so với chúng ta tự làm và tự rút kinh nghiệm" - TS Thành khẳng định.
Không dễ "hái quả ngọt"
Theo TS Phạm Sỹ Thành, Việt Nam đang đối mặt bài toán khó liên quan xuất khẩu chip do chi phí sản xuất cao và cạnh tranh quốc tế ngày càng lớn. Theo ông, hiện ở Việt Nam dù chi phí nhân sự rẻ nhưng các chi phí khác thật sự không rẻ.
"Để phát triển công nghệ mạnh mẽ, bền vững, cần phải đào tạo nguồn nhân lực trong nước với những kỹ năng, kiến thức đủ chất, đủ tầm để đáp ứng xu hướng. Từ đó sẽ tạo sự thay đổi rõ rệt hơn, thu hút thêm nhiều công ty công nghệ nước ngoài tham gia" - ông Thành nói.
TS Trần Viết Huân góp ý nên có chính sách minh bạch, rõ ràng để khuyến khích, thu hút R&D từ các hãng công nghệ nước ngoài, kích thích họ tham gia sâu vào các lĩnh vực bán dẫn, AI nhằm tạo sự đa dạng, khác biệt và tăng giá trị cho các hệ sinh thái công nghệ. Đồng thời, cần có chính sách để chuẩn bị nguồn nhân lực cho lĩnh vực này bởi nếu không sẽ khó thúc đẩy công nghệ Việt đi xa và bền vững.
Ông Phan Phương Tùng cho rằng cần tạo điều kiện để các start-up trong lĩnh vực AI phát triển, bao gồm hỗ trợ nguồn vốn, kỹ thuật, kết nối với các nhà đầu tư, đối tác chiến lược trong và ngoài nước, xây dựng hạ tầng kỹ thuật số đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các ứng dụng AI...
Theo GS-TS Đặng Lương Mô, phạm vi của ngành công nghiệp bán dẫn rất rộng nên có nhiều vấn đề phải làm, trong đó có 5 khâu quan trọng gồm: giáo dục - đào tạo, nghiên cứu, chế tạo, kiểm thử đóng gói và vật liệu. Việc ký kết thỏa thuận hình thành trung tâm nghiên cứu, phát triển AI chỉ là một phần trong sứ mệnh phát triển ngành công nghiệp này của Việt Nam. "Chúng ta có lợi thế về con người khi là quốc gia đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 15 trên thế giới, có đội ngũ những nhà khoa học trẻ tuổi, sáng tạo. Tuy vậy, chúng ta chưa thể cạnh tranh với Trung Quốc bởi chưa thật sự tập trung phát triển toàn lực" - ông Mô nói thêm.
Trong giai đoạn xây dựng công nghiệp bán dẫn - vi mạch sắp tới, GS-TS Đặng Lương Mô đề nghị tăng cường sự liên kết giữa "3 nhà", gồm nhà nước, nhà trường và nhà sản xuất. Cụ thể, cần chú trọng nghiên cứu, phát triển chuyên sâu về khoa học cơ bản liên quan chất bán dẫn, quy trình sản xuất bán dẫn; mở thêm những chuyên ngành đào tạo, phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu cơ bản về bán dẫn và quy trình chế biến bán dẫn...
NVIDIA đã có 8 năm làm ăn với Việt Nam
Trên website NVIDIA, hãng sản xuất chip này đã đầu tư vào hệ sinh thái công nghệ của Việt Nam trong suốt 8 năm qua. Công ty đang hợp tác với hơn 100 start-up AI tại Việt Nam thông qua chương trình khởi nghiệp toàn cầu Inception, cùng với 65 trường đại học trong nước. Năm ngoái, NVIDIA bắt đầu hợp tác với FPT Smart Cloud - đối tác về điện toán đám mây đầu tiên của công ty tại Việt Nam.
Bình luận (0)