xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cơ hội mới cho bệnh nhân ung thư

NGUYỄN THẠNH thực hiện

Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) lần đầu tiên pha chế thành công 2 loại thuốc phóng xạ mới sử dụng trong chẩn đoán, theo dõi điều trị u thần kinh nội tiết và ung thư tuyến tiền liệt, đem đến nhiều cơ hội cho người bệnh

Phóng viên: Ông có thể thông tin về 2 loại thuốc phóng xạ mới được Bệnh viện Chợ Rẫy pha chế thành công?

- TS-BS NGUYỄN XUÂN CẢNH - Trưởng Khoa Y học hạt nhân - Bệnh viện Chợ Rẫy: Đó là thuốc Galium-68 PSMA (Ga-68 PSMA, ung thư tuyến tiền liệt) và Galium-68 Dotatate (Ga-68 Dotatate, u thần kinh nội tiết). Trên thế giới, 2 loại thuốc phóng xạ này đang được sử dụng rộng rãi. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã chấp thuận thuốc Ga-68 Dotatate vào năm 2016 và thuốc Ga-68 PSMA vào năm 2020.

Cơ hội mới cho bệnh nhân ung thư- Ảnh 1.

TS-BS NGUYỄN XUÂN CẢNH - Trưởng Khoa Y học hạt nhân - Bệnh viện Chợ Rẫy

Không phải quốc gia nào cũng có thể sản xuất được Ga-68 PSMA và Ga-68 Dotatate. Vì vậy, người bệnh trong nước có nhu cầu chụp PET/CT với 2 loại thuốc này thường phải ra nước ngoài.

Thực tế nhu cầu sử dụng thuốc phóng xạ trong nước thời gian qua ra sao?

- Trong chẩn đoán ban đầu đối với tiền liệt tuyến, có thể sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như cộng hưởng từ (MRI), siêu âm sau đó chọc kim sinh thiết vào chỗ nghi ngờ có khối u để chẩn đoán. Nếu muốn phát hiện các vị trí di căn khác, có thể chụp cộng hưởng từ, siêu âm, CT, xạ hình xương. Những kỹ thuật này không đặc hiệu cho ung thư tuyến tiền liệt, nhìn hình ảnh rất khó chẩn đoán. Sử dụng thuốc này sẽ bắt ngay vị trí di căn rõ nét hơn.

Nhu cầu hiện nay rất nhiều nhưng chưa có thuốc, người bệnh phải ra nước ngoài nên chi phí rất tốn kém. Khi đã có thuốc trong nước thì người bệnh sẽ thuận lợi hơn bởi chỉ tốn bằng 1/3 so với ra nước ngoài.

Nguyên nhân nào khiến Bệnh viện Chợ Rẫy bắt tay vào nghiên cứu pha chế 2 loại thuốc phóng xạ mới?

- Trên thế giới đã dùng 2 loại thuốc này rất nhiều và hiệu quả đã được chứng minh, đồng thời họ cũng bắt đầu thương mại hóa. Trong khi đó, 2 loại thuốc này phù hợp hơn thuốc chúng ta sử dụng lâu nay với bệnh u thần kinh nội tiết và ung thư tuyến tiền liệt. Chúng ta mua mô-đun, nguyên liệu, đồng vị phóng xạ về tổng hợp theo đúng quy trình hướng dẫn là sẽ làm được.

Cơ hội mới cho bệnh nhân ung thư- Ảnh 2.

Việc Bệnh viện Chợ Rẫy pha chế thành công 2 loại thuốc phóng xạ mới sử dụng trong chẩn đoán ung thư đem đến nhiều cơ hội cho người bệnh trong nước. Ảnh: NGUYỄN THẠNH

Trong 2 bệnh trên, ung thư tuyến tiền liệt là bệnh hay gặp; còn bệnh u thần kinh nội tiết trước đây ít được chú ý nhưng hiện nay số ca bắt đầu tăng bởi được nhiều kỹ thuật chẩn đoán.

Từ năm 2009, Việt Nam đã phát triển kỹ thuật PET/CT, kết hợp giữa hình ảnh chuyển hóa sinh học với hình ảnh cấu trúc trong cùng một quy trình, một lần chụp. Theo đó, trong lĩnh vực y học hạt nhân, người bệnh sẽ được chụp từ đầu đến chân với trường nhìn rộng bao phủ toàn thân. Qua hình ảnh chuyển hóa, có thể phát hiện, chẩn đoán, theo dõi điều trị nhiều loại bệnh, đặc biệt là hơn 90% bệnh trong lĩnh vực ung thư.

Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện ghi hình PET/CT với thuốc F-18 FDG đánh giá chuyển hóa đường glucose trong nhiều loại bệnh ung thư từ năm 2009. Tuy nhiên, do tế bào ung thư tuyến tiền liệt và tế bào u thần kinh nội tiết thường ít sử dụng đường glucose nên hiển thị kết quả chẩn đoán không cao.

Cụ thể, tế bào ung thư tuyến tiền liệt thường có biểu hiện kháng nguyên đặc hiệu trên màng tế bào PSMA (cao hơn 10 - 80 lần so với tế bào tuyến tiền liệt bình thường hoặc tăng sản lành tính), có đặc tính gắn kết tốt với thuốc Ga-68 PSMA và sẽ được phát hiện nhờ ghi hình PET/CT. Còn đối với u thần kinh nội tiết, tế bào u biểu hiện tăng thụ thể Somatostatin và việc ghi hình PET/CT với thuốc Ga-68 Dotatate gắn kết vào thụ thể này giúp phát hiện rõ hơn những tổn thương nguyên phát và di căn.

Việc pha chế 2 loại thuốc mới được thực hiện trong bao lâu và với chi phí bao nhiêu?

- Nguồn nhân lực Khoa Y học hạt nhân của bệnh viện bảo đảm đủ nhu cầu bởi 15 năm nay đã quen với hệ thống pha chế, tổng hợp thuốc phóng xạ cho máy PET/CT với lò Cyclotron (thiết bị gia tốc hạt dùng để sản xuất đồng vị phóng xạ).

Cả nước hiện chỉ có vài nơi có lò Cyclotron, trong đó có Bệnh viện Chợ Rẫy. Với hệ thống trang thiết bị có sẵn, chỉ cần trang bị thêm một phần nhỏ hệ tổng hợp và thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn, tổng hợp, kiểm tra, kiểm chuẩn là sẽ dễ dàng đạt kết quả. Những cơ sở chưa có hệ thống Cyclotron nếu muốn làm được thì phải đầu tư nhiều.

Mất 6 tháng nghiên cứu, thực hành, đánh giá để pha chế 2 loại thuốc phóng xạ mới này. Chi phí nghiên cứu không quá cao, đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm, được đi học ở nước ngoài nhiều năm và có sự hỗ trợ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế... nên chúng tôi triển khai thuận lợi hơn. Thông thường từ khi chiết thuốc phóng xạ ra đến khi hoàn thành sản phẩm thuốc là khoảng 30 phút.

Năng lực pha chế 2 loại thuốc này ở các cơ sở y tế khác ra sao, thưa bác sĩ?

- Các cơ sở y tế đều có thể pha chế thuốc này nếu đáp ứng đủ điều kiện về con người, trang thiết bị. Các nơi cũng có thể đến Bệnh viện Chợ Rẫy để học tập kinh nghiệm. Lâu nay, những cơ sở y học hạt nhân không có lò Cyclotron, không có hệ thống pha chế thuốc F18-FDG vẫn có thể làm nhưng chỉ pha thuốc với đồng vị phóng xạ cơ bản, tương đối dễ, còn nếu có lò Cyclotron sẽ khó hơn nhiều.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sản lượng thuốc mới pha chế ban đầu chỉ đủ dùng tại chỗ. Sau 6 tháng, khi pha chế nhiều hơn thì có thể phân phối cho một số bệnh viện có máy PET/CT ở TP HCM với thời gian di chuyển trong vòng 30 phút vì đặc thù thời gian sử dụng thuốc này ngắn, bán rã nhanh, đòi hỏi sử dụng ngay sau khi làm ra. Quy trình là người bệnh sẵn sàng, thuốc làm xong đạt yêu cầu và được dược sĩ cho phép thì sử dụng liền cho bệnh nhân.

Tất nhiên, muốn nhượng thuốc cho cơ sở khác thì cần xin phép Bộ Y tế, có các loại giấy phép và bảo đảm an toàn bức xạ vì đây là thuốc đặc biệt. Chúng tôi cũng đã chia sẻ thuốc phóng xạ F18-FDG cho Bệnh viện Quân y 175 và Bệnh viện Ung Bướu TP HCM.

Như vậy, với đặc thù thời gian sử dụng rất ngắn, không thể xuất khẩu được thuốc này?

- Không bao giờ được!

Còn người bệnh trong nước thì rõ ràng có những cơ hội mới để được chẩn đoán, điều trị? Và đây có thể coi là điểm sáng trên bản đồ y học thế giới?

- Lâu nay, chỉ những người giàu mới có điều kiện đi nước ngoài trị bệnh, còn người nghèo thì không có cơ hội. Việc pha chế thành công 2 loại thuốc đem đến nhiều cơ hội cho người bệnh trong nước, giúp tiếp cận phương pháp mới trên thế giới và tiết kiệm nhiều chi phí điều trị, qua đó cũng tạo được niềm tin cho người bệnh.

BHYT cần nghiên cứu, hỗ trợ để người dân sớm được hưởng lợi từ kỹ thuật PET/CT với 2 loại thuốc phóng xạ mới, được chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Cùng với đó, các bệnh viện có nhu cầu thì được Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển giao công nghệ, song phải chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị đầy đủ.

Hơn 15 năm trước, chúng ta chỉ dừng lại ở máy SPECT, SPECT/CT với thuốc Tc-99m. 15 năm trước, chúng ta đã phát triển được kỹ thuật PET/CT với thuốc chuyển hóa glucose F18-FDG và lò Cyclotron. Bây giờ, chúng ta tiến thêm một bước nữa khi tập trung vào những loại bệnh chuyên biệt hơn, đó là ung thư tuyến tiền liệt và u thần kinh nội tiết. Như vậy, trên bản đồ y học thế giới, liên quan phát triển y học hạt nhân, có thể nói chúng ta đã có thêm một bước tiến. 

Bệnh nhân ung thư ít có cơ hội sử dụng thuốc mới

Liên quan điều trị bệnh ung thư nói chung, theo PGS-TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư, nhiều loại ung thư đã được chữa khỏi. Trong chẩn đoán, có nhiều trang thiết bị phát hiện sớm; nhiều hóa chất, thuốc đích, thuốc miễn dịch giúp tăng cơ hội chữa khỏi cho những người có đột biến gien, có yếu tố miễn dịch ở giai đoạn muộn.

Trong hơn 200 bệnh ung thư khác nhau, có 60% bệnh có thể khỏi bệnh bằng phẫu thuật đơn thuần nếu chẩn đoán sớm. Trang thiết bị, máy móc phục vụ chẩn đoán và điều trị ung thư của Việt Nam đã sánh ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, mạng lưới ung thư đã phát triển song chênh lệch về trình độ giữa các tuyến. "Dù Việt Nam đã cập nhật tất cả các thuốc mới trong điều trị ung thư nhưng giá thuốc còn cao nên không phải bệnh nhân nào cũng có cơ hội được sử dụng, trong khi thuốc lại thay đổi thường xuyên..." - PGS-TS Phạm Văn Bình cho hay.

N.Dung


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo