Tổng cục Thuế cho biết sẽ tiếp thu và nghiên cứu, báo cáo các cấp có thẩm quyền về ngưỡng nợ thuế phù hợp đối với từng đối tượng nợ thuế trong việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh
Thời gian gần đây xảy ra nhiều trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế, với mức nợ thuế được cho là rất thấp. Vấn đề này đã được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận bên lề kỳ họp thứ 8. Một số ý kiến cho rằng các quy định hiện hành không quy định ngưỡng nợ thuế cụ thể nên mới phát sinh rắc rối này.
Đề xuất bổ sung ngưỡng nợ thuế
Từ cuối năm 2023, ngành thuế tăng cường áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đặc biệt đối với các trường hợp nợ thuế số tiền khá lớn, khoảng 15.602 tỉ đồng. Vừa qua, người đại diện pháp luật của một số doanh nghiệp lớn - như Công ty CP Hàng không Việt (Bamboo Airways), Trung Nam Group… - cũng bị tạm hoãn xuất cảnh do đang nợ thuế.
Trước việc tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế, nhiều ý kiến cho rằng quy định này là cần thiết. Song, cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn, như quy định ngưỡng nợ thuế cụ thể bị áp dụng biện pháp này.
Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia. Trong đó, khi sửa đổi Luật Quản lý thuế, vấn đề tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế cũng đã được đề cập.
Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một biện pháp nhỏ và không phải là biện pháp mạnh nhất để xử lý vi phạm. Do vậy, ủy ban này đề nghị Chính phủ bổ sung ngưỡng nợ thuế để giới hạn phạm vi áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh.
Đại diện Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính khẳng định việc tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân, pháp nhân nợ thuế được cơ quan thuế thực hiện theo quy trình rất chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Không phải tất cả cá nhân nợ thuế đều bị tạm hoãn xuất cảnh. Việc này chỉ áp dụng với một số ít đối tượng, trong đó có người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) nêu quan điểm: Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là người làm thuê, chỉ đứng tên trên giấy tờ. Do đó, quá trình sửa đổi Luật Quản lý thuế nên quy định rõ ràng, cụ thể hơn về trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, như chủ tịch hội đồng quản trị, chủ sở hữu công ty...
Nợ thuế ít, sao không nộp?
Liên quan đề xuất quy định ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, luật sư Bùi Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết ông đồng tình nhưng góp ý cần tính toán kỹ lưỡng để có mức phù hợp với cá nhân và doanh nghiệp. Theo ông, năm 2015, Bộ Tài chính từng đề xuất ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh là 100 triệu đồng với cá nhân, 1 tỉ đồng với doanh nghiệp.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Thịnh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho hay người nộp thuế nợ thuế đã được cơ quan thuế sàng lọc kỹ rồi mới áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Do đó, việc áp dụng các biện pháp như quy định hiện hành để thu hồi nợ thuế là phù hợp, không nên đặt ra giới hạn.
"Công nghệ hiện tại đã cho phép chúng ta thực hiện tra cứu, giao dịch mọi lúc, mọi nơi. Như vậy đã có đầy đủ cơ sở để người nộp thuế nắm được thông tin và thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định. Nếu nợ chỉ vài trăm ngàn đồng, người nộp thuế có thể nộp qua mạng" - ông Thịnh nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đặt vấn đề: Nếu người nộp thuế nói "nợ thuế thấp mà bị tạm hoãn xuất cảnh" thì thử hỏi thấp như vậy sao không đóng? Theo ông, các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh phần lớn là do ý thức tuân thủ pháp luật, chây ì trong việc nộp thuế.
Dù vậy, trước ý kiến còn nhiều băn khoăn, Tổng cục Thuế cho biết sẽ tiếp thu và nghiên cứu, báo cáo các cấp có thẩm quyền về ngưỡng nợ thuế phù hợp đối với từng đối tượng trong việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Theo quy định hiện hành, trong quá trình triển khai công tác thu hồi nợ thuế, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế căn cứ tình hình thực tế để quyết định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với từng trường hợp cụ thể.
TS NGUYỄN QUỐC VIỆT, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR):
Nên cân nhắc kỹ
Quy định ngưỡng nợ thuế là vấn đề cần cân nhắc kỹ, bởi trong trường hợp doanh nghiệp có khả năng nộp số thuế đang nợ nhưng chây ì thì ngưỡng như thế nào mới là phù hợp?
Thay vào đó, cơ quan thuế nên tăng cường biện pháp đôn đốc, thông báo, nhắc nhở về nghĩa vụ thuế để mọi người nâng cao ý thức tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý thuế. Cơ quan thuế cũng cần phân loại, rà soát các trường hợp nợ thuế cụ thể trước khi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Luật sư NGUYỄN PHƯƠNG LIÊN, Công ty Luật Senlaw:
Bảo đảm công bằng khi xử lý vi phạm
Theo quy định hiện hành, chỉ những trường hợp chây ì, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thì cơ quan thuế mới gửi thông báo, đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
Dù vậy, nếu quy định về ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh thì sẽ có nhiều cái lợi, nhất là bảo đảm việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh được đồng bộ, bảo đảm công bằng trong xử lý vi phạm. Việc này cũng giúp quy trình kiểm tra, thanh tra thuế của cơ quan thuế ở các địa phương thuận lợi hơn.
Ông NGUYỄN VĂN ĐƯỢC, Tổng Giám đốc Công ty Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín:
Tránh gây ra chi phí xã hội quá lớn
Theo tôi, ngành thuế cần xây dựng một ngưỡng cụ thể về số tiền nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất nhập cảnh. Ngưỡng này cần được tính toán kỹ lưỡng, không nên quá cao hoặc quá thấp, để bảo đảm hiệu quả và tránh gây ra chi phí xã hội quá lớn.
Mặt khác, cơ quan thuế cũng phải quyết liệt trong việc thu hồi nợ thuế; có biện pháp chế tài nghiêm minh đối với những công chức thuế không thực hiện đầy đủ các biện pháp thu hồi nợ thuế.
Bên cạnh việc xử lý nghiêm minh đối với những người nợ thuế cố tình chây ì, cần có chính sách hỗ trợ và gia hạn nộp thuế đối với những trường hợp nợ thuế đang gặp khó khăn thật sự, để giúp họ có cơ hội quay lại sản xuất - kinh doanh và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách.
M.Chiến - Th.Thơ - S.Nhung ghi
Bình luận (0)