Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, Cố vấn An ninh ca ngợi Tổng Bí thư là vị lãnh đạo có tầm nhìn xa và đối tác then chốt của nước Mỹ, cho rằng "những công lao của Tổng Bí thư đối với Việt Nam, với quan hệ Việt - Mỹ và với thế giới sẽ còn để lại ảnh hưởng trong nhiều năm tới"; "mong muốn những kỷ niệm về Tổng Bí thư sẽ luôn là nguồn sức mạnh nâng đỡ quan hệ hai nước".
Về phía Bộ Ngoại giao Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Kritenbrink bày tỏ sự trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc trước những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với quan hệ hai nước; nhấn mạnh tầm nhìn chiến lược, vai trò lãnh đạo cùng tình cảm chân thành của Tổng Bí thư là cơ sở quan trọng để Việt Nam và Mỹ làm sâu sắc thêm tin cậy chính trị và đạt nhiều thành tựu vượt bậc trong hơn một thập kỷ.
Trợ lý Ngoại trưởng Kritenbrink khẳng định Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ cùng các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam tiếp nối và phát huy nỗ lực của Tổng Bí thư và các thế hệ lãnh đạo hai bên nhằm vun đắp cho quan hệ hai nước.
Nhiều Bộ, ngành quan trọng như Bộ Quốc phòng, Bộ Thương mại, Đại diện Thương mại, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), Cơ quan Tài chính phát triển (DFC)… cũng cử đại diện lãnh đạo đến viếng và ký sổ tang. Ông Chuck Hagel, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, đã tới chia buồn với Đại sứ quán và bày tỏ đánh giá cao đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với quá trình hàn gắn, xây dựng lòng tin và tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ.
Từ Quốc hội, nhiều nghị sĩ, cố vấn cao cấp đã gửi lời chia buồn tới Đại sứ quán, trong đó có Thượng nghị sĩ Jeff Merkley (Dân chủ, bang Oregon), Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth (Dân chủ, bang Illinois), "đánh giá Tổng Bí thư đã đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hoà giải giữa hai nước; nếu không có tầm nhìn và quyết tâm của Tổng Bí thư thì đất nước Việt Nam và quan hệ hai nước sẽ không thể có những tiến triển như ngày hôm nay".
Về phía địa phương, Bộ trưởng Ngoại giao bang Maryland thay mặt cho Thống đốc Wes Moore tới Đại sứ quán để viếng Tổng Bí thư và ký sổ tang; Thống đốc bang Oregon Tina Kotek cử đại diện bay từ Oregon tới Đại sứ quán để chuyển thư chia buồn và viếng Tổng Bí thư.
Đông đảo đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Washington D.C. cũng đã tới chia buồn với Đại sứ quán và ký sổ tang để để lại những lời chia buồn chân thành sâu sắc.
Về phía doanh nghiệp có đại diện nhiều hiệp hội, tập đoàn lớn của Mỹ như USABC, SIA, USCC, Boeing, Walmart, Nike, VISA, Mariott, Dell, Apple, Intel… Đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) nhấn mạnh "vai trò lãnh đạo của Tổng Bí thư đã để lại một di sản lâu dài là hoà bình và thịnh vượng cho Việt Nam", "đặc biệt công lao của Tổng Bí thư trong việc củng cố quan hệ hai nước cũng sẽ được nhớ mãi".
Nhiều viện nghiên cứu, trường đại học có uy tín của Mỹ như Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Quỹ Châu Á (Asia Foundation), Trung tâm Stimson, American University… cũng đã tới viếng và ký sổ tang bày tỏ niềm tiếc thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư.
Đông đảo đại diện bà con kiều bào ta, những người Việt đang học tập, sinh sống và làm ăn tại Mỹ đã đến viếng và bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư, nguyện luôn ghi nhớ lời dạy của Tổng Bí thư và chung tay phấn đấu xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
Bình luận (0)