Ngày 18-1, tại phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội (QH) khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) với 432 đại biểu tán thành, chiếm 87,63% tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương và 260 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025, cùng với đó là nhiều quy định chuyển tiếp trong luật.
Nhiều điểm mới
Ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký QH, cho biết việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp lần này đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất.
Theo Tổng Thư ký QH, đây là dự án luật rất khó và phức tạp, tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Cho nên, QH và các cơ quan trong hoạt động lập pháp rất cẩn trọng, luôn đề cao chất lượng và hiệu quả khi thảo luận, cũng như ấn nút thông qua luật này.
Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, nếu liệt kê một cách chi tiết từng điều khoản thì có hàng trăm điểm mới. Tuy nhiên, có thể khái quát những điểm mới nổi bật, được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay, như: Quy định cụ thể trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội; giảm đầu mối trung gian trong giao đất, cho thuê đất; thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở…
Đáng chú ý, nhằm thể chế hóa Nghị quyết 18/NQ-TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và trên cơ sở thống nhất giữa các cơ quan, Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định ban hành bảng giá đất hằng năm để bảo đảm bám sát diễn biến thực tế thị trường và mở rộng phạm vi áp dụng bảng giá đất. Luật cũng quy định UBND tỉnh có trách nhiệm trình HĐND quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1-1 của năm tiếp theo; hoặc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong năm và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm bảng giá đất sẽ được cập nhật phù hợp với thực tế. UBND cấp tỉnh xây dựng, trình HĐND cùng cấp quyết định bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 1-1-2026.
Luật Đất đai (sửa đổi) cũng quy định việc xem xét cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho những trường hợp không có giấy tờ, không vi phạm pháp luật về đất đai đến trước ngày 1-7-2014. Trong luật quy định rõ 3 mốc thời điểm. Cụ thể, là hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 18-12-1980; hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 18-12-1980 đến trước ngày 15-10-1993; hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 15-10-1993 đến trước ngày 1-7-2014.
Đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn
ĐB Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đánh giá hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình QH lần này được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng và đã rất lắng nghe, tiếp thu đầy đủ, thận trọng những ý kiến tham gia hợp lý của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan, tổ chức có liên quan, ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước; thận trọng đối với những vấn đề lớn, vấn đề khó và còn ý kiến khác nhau. Bởi lẽ, dự án luật có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng và tác động sâu rộng đến mọi tổ chức, cá nhân, cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm tới. "Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua tại kỳ họp này đã đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn đặt ra" - ĐB Thắng nói.
ĐB Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) cho rằng trải qua quá trình lấy ý kiến, thảo luận thận trọng, kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện, Luật Đất đai (sửa đổi) đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đạt được sự đồng thuận cao. Việc thông qua luật tại kỳ họp này đã giải quyết được những vướng mắc từ thực tế; đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất.
Theo bà Lam, một trong những yêu cầu đặt ra để luật phát huy hiệu quả ngay sau khi có hiệu lực, đó là Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung… "Tôi kỳ vọng, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn và đi vào cuộc sống, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của cử tri" - ĐB Lam mong muốn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho biết việc QH thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) lần này với các điểm mới đã giải quyết rất nhiều điểm "nghẽn" cho thị trường bất động sản, giúp thị trường khơi thông được nguồn lực. Đó là luật cho phép người đang thuê đất trả tiền một lần có thể chuyển sang trả hằng năm; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định cụ thể hơn về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất. Đặc biệt, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định mức thuế cao hơn với người có nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng, bỏ đất hoang; doanh nghiệp có thể nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa...
Bảo đảm lợi ích các bên
Sau 3,5 ngày làm việc, kỳ họp bất thường lần thứ 5, QH khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ bố trí nguồn lực, chuẩn bị ngay các điều kiện bảo đảm, ban hành và triển khai kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa luật vào cuộc sống. Đồng thời khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành các văn bản quy định chi tiết; hướng dẫn việc chuyển tiếp đúng quy định, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Bình luận (0)