Mới đây, một tài khoản đã chia sẻ lên mạng xã hội vụ một người quen bị lừa hơn 1 tỉ đồng khi đặt phòng qua fanpage có tích xanh, tên "Minawa Kenhga Resort & Spa Ninh Binh" ở tỉnh Ninh Bình.
"Sốc" với con số thiệt hại
Theo bài đăng, khách này đặt phòng từ ngày 31-1-2024 đến ngày 3-2-2025 qua fanpage trên. Khách được nhân viên tư vấn mức giá phòng cuối tuần từ 2,9 triệu đồng, ngày lễ, Tết từ 3,6 triệu đồng cho hạng phòng đôi. Qua trao đổi, khách chốt phòng rồi chuyển 6,5 triệu đồng tiền cọc cho 2 phòng.
Tuy nhiên, sau đó vị khách này được đối tượng thông báo khách chuyển khoản sai nội dung và yêu cầu chuyển khoản lại để bộ phận kế toán xác nhận và lấy lại số tiền thừa. Sau nhiều lần liên tiếp chuyển khoản đều bị báo sai nội dung, vị khách này đã chuyển tổng cộng hơn 1 tỉ đồng và không thể liên lạc được với đại diện khu nghỉ dưỡng, lúc này nạn nhân mới biết bị lừa. Người này sau đó đã báo cơ quan chức năng.
![Một người dân bị lừa hơn 1 tỉ đồng khi đặt phòng qua fanpage có tích xanh Một người dân bị lừa hơn 1 tỉ đồng khi đặt phòng qua fanpage có tích xanh](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2025/2/8/13-chot-1739018821440117671840.jpg)
Một người dân bị lừa hơn 1 tỉ đồng khi đặt phòng qua fanpage có tích xanh
Trước đó, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết có một số trang giả mạo các cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an. Các trang này đăng tải nhiều video và bài viết với nội dung cảnh báo về các phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đáng nói, những trang giả mạo còn có "tích xanh" nhằm đánh lừa người dân, nhất là những người đã từng bị lừa đảo. Nhiều nạn nhân vì quá tin tưởng vào các trang này đã liên hệ nhờ hỗ trợ, dẫn đến việc bị các đối tượng lừa đảo yêu cầu chuyển tiền. Hệ quả là không lấy lại được số tiền bị lừa mà còn bị mất thêm tiền.
Theo khảo sát an ninh mạng 2024 của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cứ 220 người dùng thì sẽ có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, chiếm 0,45%. Tổng thiệt hại ước tính lên tới 18.900 tỉ đồng. Trong khi đó, số nạn nhân có thể lấy lại được tiền rất nhỏ. Một trong 3 hình thức lừa đảo phổ biến nhất năm 2024 trong đó là giả mạo danh tính cơ quan, tổ chức.
Cẩn tắc vô ưu
Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn An ninh mạng Athena, có những nhóm chuyên xây dựng, nuôi fanpage để có tích xanh; sau đó bán lại cho những người có nhu cầu, trong đó có các đối tượng xấu.
Để tránh bị lừa khi mua sản phẩm, dịch vụ qua fanpage có tích xanh, ông Thắng khuyến cáo người dùng kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện giao dịch như tên công ty, thời gian hoạt động, địa chỉ, người chịu trách nhiệm và số tài khoản... Đồng thời, trước khi chuyển tiền, cần gọi điện thoại bằng video call để xác minh. Các đối tượng xấu sẽ không dám xuất hiện để trả lời. "Đã từng có trường hợp suýt bị lừa đầu tư tiền ảo với giá trị giao dịch khoảng 3 tỉ đồng nhưng khi chủ đầu tư gọi video call mà bên kia không dám xuất hiện. Khi người mua bất ngờ gọi video call, đối tượng xấu sẽ không đủ thời gian dùng AI giả mạo khuôn mặt, nhờ vậy sẽ hạn chế được rủi ro" - ông Thắng lưu ý.
Theo ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Công ty CP BMZ, chuyên quản lý mạng xã hội cho một số nhà sáng tạo số, việc đạt tích xanh trên Facebook rất dễ dàng, chỉ cần có tài khoản doanh nghiệp sẽ mua được tích xanh theo tháng, năm… hoặc các đối tượng xấu sẽ hack fanpage có tích xanh sau đó đổi tên để lừa đảo. Ông Bình cho hay phần lớn người dùng có tâm lý ngộ nhận fanpage tích xanh là uy tín. Tuy nhiên, những fanpage đó đơn thuần là trang của công ty ABCXYZ nào đó và được thêm dấu tích xanh. Muốn có tích xanh có thể thông qua dịch vụ, chỉ mất khoảng vài triệu đồng. "Tích xanh của fanpage hiện không còn là yếu tố bảo đảm uy tín tuyệt đối. Do đó, người dùng mua sản phẩm, dịch vụ qua những fanpage cần kiểm tra kỹ, xác thực thông tin để tránh bị lừa" - ông Bình chia sẻ.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước những trang Facebook giả mạo có tích xanh; không liên hệ với các trang mạng xã hội quảng cáo dịch vụ như "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", hay "thu hồi tiền lừa đảo". Đặc biệt, không truy cập vào các liên kết hoặc tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc; không thực hiện theo hướng dẫn và yêu cầu của đối tượng không rõ danh tính. Tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân nhạy cảm như số CCCD, mã OTP, số tài khoản ngân hàng hay mật khẩu tài khoản... dưới bất kỳ hình thức nào.
Tích xanh được rao bán... như rau!
Theo ghi nhận, trên nền tảng Facebook, nhiều tài khoản đang rao bán tràn lan dịch vụ nâng cấp lên tích xanh. Chẳng hạn, tài khoản T.T cho biết chi phí lên tích xanh cho bất cứ trang cá nhân, fanpage chỉ từ 2-3 triệu đồng, hoàn thành trong vòng 15-30 phút, phí duy trì chỉ hơn 200.000 đồng/tháng. Chỉ cần gõ từ khóa "mua tích xanh Facebook", Google sẽ hiển thị hàng chục đường link rao dịch vụ lên tích xanh giá từ 1,5-3 triệu đồng, ngoài ra còn thêm tăng bình luận, lượt chia sẻ, lượt xem, người theo dõi... nhằm tăng uy tín cho fanpage, trang cá nhân.
Bình luận (0)