Ông Nanar Hawach, nhà phân tích cấp cao về Syria tại tổ chức nghiên cứu Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG) ở Bỉ, cho biết: "Phiến quân Syria đã nhận thấy cơ hội mới khi lực lượng Hezbollah ở Lebanon hứng chịu nhiều tổn thất trong cuộc đối đầu với Israel, trong khi Iran chịu nhiều áp lực và Nga đang bận rộn với chiến dịch ở Ukraine. Lực lượng nổi dậy nhìn thấy sự thay đổi về quyền lực".
Theo đài CNN, Iran và Nga hỗ trợ lực lượng và vũ khí trong hơn một thập kỷ để giúp Tổng thống Bashar al-Assad duy trì quyền lực.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hậu thuẫn các nhóm phiến quân Syria, thậm chí triển khai lực lượng để duy trì quyền kiểm soát các thành trì do phiến quân nắm giữ ở miền Bắc Syria.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã trở thành mục tiêu của quân đội Israel trong những năm qua, trong đó có cuộc tập kích khu vực sứ quán Iran tại TP Damacus vào tháng 4 năm nay, khiến 1 chỉ huy cấp cao thiệt mạng.
Diễn biến này khiến Iran lần đầu phát động cuộc không kích trực diện vào lãnh thổ Israel.
Hezbollah - nhóm vũ trang Hezbollah thân Iran - từng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ông al-Assad giành lại lãnh thổ đã mất vào tay các nhóm dân quân và phiến quân.
Trong năm qua, lực lượng Hezbollah chuyển trọng tâm vào đối phó Israel và rút bớt quân từ Syria về Lebanon, giữa lúc Tổng thống al-Assad ngày càng xích lại gần các quốc gia Ả Rập và ít tham gia hơn vào "Trục kháng chiến" của Iran, theo nhà phân tích Hawach.
Từ đó, Israel khiến lực lượng Hezbollah chịu tổn thất lớn ở Lebanon, tiêu diệt thủ lĩnh lâu năm Hassan Nasrallah và loại bỏ nhiều nhân vật cấp cao của nhóm này. Vào tháng 9, Israel phát động cuộc tấn công toàn diện vào các mục tiêu Hezbollah trên khắp Lebanon, khiến nhóm này hứng chịu nhiều thiệt hại về nhân lực và khí tài.
Ông Hawach nêu rõ: "Mục tiêu của Hezbollah là có sự hiện diện rõ rệt ở Syria, nhưng mục tiêu này nhạt dần trong năm qua do việc rút quân, đặc biệt là sau khi Israel leo thang xung đột ở Lebanon".
Trong khi đó, theo tờ Wall Street Journal, cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Không chỉ các đồng minh của ông al-Assad (Nga và Iran) đang phải chịu nhiều áp lực, đây còn là giai đoạn chuyển giao quyền lực ở Mỹ.
Ông Donald Trump không lâu nữa sẽ nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng. Trước đây, ông Trump từng áp đặt chính sách gây áp lực tối đa lên Iran và phát động cuộc không kích nhằm vào các tài sản quân sự của chính quyền Syria.
Bà Dareen Khalifa, cố vấn cấp cao tại ICG, đánh giá rằng những động thái chính trị toàn cầu đã đóng vai trò lớn trong quyết định phát động cuộc tấn công của phiến quân Syria.
Bà Khalifa nói: "Ở một khía cạnh nào đó, đây là một cơn bão hoàn hảo. Nếu không phải bây giờ thì khi nào? Họ đã suy tính nhiều về chuyện này và cố xem có bất kỳ cơ hội nào, thăm dò xung quanh, cũng như tìm cách nắm được các điểm yếu của chính quyền của ông al-Assad".
Bình luận (0)