Sau nhiều tháng, kể từ khi tốt nghiệp ngành dược, Nguyễn Thúy Phương (sinh năm 1999) đã đi phỏng vấn tại nhiều công ty dược, chuỗi nhà thuốc ở TP Hà Nội với nhiều vị trí như sale, chăm sóc khách hàng, thực tập sinh học việc. Tuy nhiên, nhiều nhất chỉ có thể vào vòng phỏng vấn thứ 2 chứ không trúng tuyển.
Do áp lực kinh tế, cần việc làm để có tiền phụ cha mẹ trả khoản nợ học phí, trong thời gian tìm kiếm công việc phù hợp, Phương xin vào làm nhân viên cho một nhà thuốc tư nhân. Do nhà thuốc nhỏ, ít khách nên ngoài bán thuốc, Phương còn phải chạy việc vặt, dọn dẹp, kê khai sổ sách, không học hỏi được gì nhiều về nghiệp vụ nên mới đây đã xin nghỉ việc.
Tương tự, anh Đỗ Minh Hợp (sinh năm 2000), tốt nghiệp ĐH ngành kỹ thuật ô tô của một trường ĐH tại TP HCM nhưng tìm việc hơn 3 tháng qua chưa đạt kết quả. Hợp cho hay nhiều người nói học ngành kỹ thuật ô tô sẽ dễ tìm việc nhưng khi đi phỏng vấn tại các gara/xưởng thì họ chỉ tuyển người có kinh nghiệm. Đối với sinh viên mới ra trường, họ chỉ nhận học việc toàn thời gian ở vị trí sửa chữa bảo dưỡng không lương, được phụ cấp từ 2-3 triệu đồng/tháng. "Với thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng không đủ trang trải cuộc sống nên hiện tôi đang thất nghiệp và có ý định chuyển hướng tìm việc trái nghề"- Hợp chia sẻ.
Hợp và Phương là những lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đủ công việc hay còn gọi là lao động không sử dụng hết tiềm năng. Lao động không sử dụng hết tiềm năng bao gồm những người thất nghiệp, thiếu việc làm và một nhóm ngoài lực lượng lao động sẵn sàng làm việc nhưng không tìm việc hoặc có tìm việc nhưng chưa sẵn sàng làm việc ngay...
Theo Tổng cục Thống kê, tỉ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4%.
Giai đoạn quý I-2020 đến quý II-2022, tỉ lệ này đạt mức cao kỷ lục là 10,4% vào quý III- 2021, sau đó giảm dần và duy trì tại mức 4,2%. Tại thời điểm quý IV- 2023, tỉ lệ này là 4,2% (tương ứng hơn 2,2 triệu người).
Tỉ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng quý IV-2023 của khu vực thành thị là 4,2% (giảm 0,3 điểm phần trăm so với quý trước) và khu vực nông thôn là 4,3% (tăng 0,2 điểm so với quý trước). Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15-34 tuổi (49,3%) cao hơn rất nhiều so với tỉ trọng lao động nhóm tuổi này trong lực lượng lao động (33,0%). Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ.
Tính chung cả năm 2023, số lao động không sử dụng hết tiềm năng là 2,3 triệu người, giảm gần 0,3 triệu người so với năm trước. Tỉ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng 2023 là 4,3%, giảm 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022. Tỷ lệ này ở của khu vực thành thị và khu vực nông thôn là 4,3%.
Tỉ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là chỉ tiêu tổng hợp cho biết mức độ "lệch pha" giữa cung và cầu lao động trên thị trường; phản ánh tình trạng dư cung về lao động. Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường, tỉ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng luôn tồn tại và thường tăng cao khi thị trường chịu các cú sốc về kinh tế – xã hội.
Bình luận (0)