Trong khuôn khổ chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" - lần thứ 23 năm 2024, ngày 22-8, Báo Người Lao Động tổ chức chương trình "Talkshow - tư vấn trực tuyến chủ đề: "Điểm chuẩn và cơ hội trúng tuyển bổ sung" với sự tham gia của các chuyên gia tâm huyết, giàu kinh nghiệm trong tuyển sinh và đại diện các trường ĐH, CĐ.
Tín hiệu vui cho thị trường lao động
Nhìn lại mức điểm chuẩn các trường ĐH vừa công bố có thể thấy xu hướng tăng điểm ở nhiều trường ĐH. TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho biết điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay nhìn chung đều tăng so với năm 2023. Nguyên nhân tăng điểm là do điểm thi của thí sinh cao hơn, đặc biệt những ngành xét tuyển tổ hợp C00. Ngoài ra, chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT không còn nhiều nên điểm chuẩn tăng do mức độ cạnh tranh cao.
Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM), phương thức xét tuyển kết hợp học lực (gồm kết quả điểm thi đánh giá năng lực, kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập THPT) và các thành tích cá nhân khác như giải thưởng học thuật, thành tích hoạt động xã hội, văn thể mỹ... năm nay có điểm chuẩn tăng mạnh, nhiều ngành tăng hơn 10-15 điểm. PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa, cho biết kết quả xét tuyển ĐH theo phương thức xét tuyển tổng hợp có 22 ngành có điểm chuẩn trên 72 điểm (thang điểm 90). Thống kê cho thấy có khoảng 29% tân sinh viên có điểm thi đánh giá năng lực đạt từ 900 điểm trở lên và 10% tân sinh viên vừa có điểm thi tốt nghiệp THPT đạt từ 27 điểm trở lên nộp hồ sơ vào trường. Trong số các ngành tăng điểm, nhóm các ngành khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, điện - điện tử - vi mạch, cơ điện tử đều có điểm chuẩn cao (76,71 - 84,16).
"Xu hướng tăng điểm chuẩn của khối ngành kỹ thuật là tin mừng, thể hiện hợp lý tính chất, tính hấp dẫn của ngành và kỳ vọng của thị trường lao động trong tương lai, phù hợp với chính sách phát triển các ngành công nghệ kỹ thuật cao của đất nước. Đây là điều rất thú vị của mùa tuyển sinh năm nay" - PGS - TS Thắng tâm đắc.
Tại Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, điểm chuẩn năm nay hầu hết tăng ở cả chương trình đại trà và chương trình tăng cường tiếng Anh. Mức tăng cao nhất đến 2,5 điểm ở các ngành công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; công nghệ kỹ thuật nhiệt; luật quốc tế. TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết khối ngành kỹ thuật, công nghệ chiếm 2/3 tổng số các ngành đào tạo của trường. Chất lượng thí sinh đăng ký vào các ngành khối kỹ thuật, công nghệ rất tốt. "Khối ngành kỹ thuật, công nghệ đã lấy lại "phong độ" khi điểm chuẩn tăng cao. Điều này cho thấy thí sinh nhạy bén và cập nhật xu hướng thị trường lao động rất tốt", TS Nhân nhận định.
Trượt nguyện vọng 1: Đừng quá lo lắng!
Các chuyên gia nhấn mạnh sinh viên không nên chọn học những ngành theo xu hướng, nếu không thực sự đam mê sẽ có nguy cơ "gãy" giữa chừng. Hiện tại, TP HCM vẫn còn rất nhiều trường đang xét tuyển bổ sung, thí sinh có thể cân nhắc chuyển đổi phù hợp.
ThS Bùi Quang Trung, Trưởng Phòng Truyền thông, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết những ngành "hot" như truyền thông đa phương tiện, báo chí, quan hệ công chúng... được nhiều thí sinh quan tâm. Vì vậy, điểm chuẩn và tỉ lệ chọi vào ngành này khá khắc nghiệt.
Mặc dù điểm chuẩn một số ngành tăng cao nhưng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành vẫn tuyển sinh bổ sung cho cả 57 chương trình đào tạo. Mức điểm xét tuyển bổ sung dự kiến sẽ tương đương hoặc tăng nhẹ so với mức điểm chuẩn đã công bố.
"Xét tuyển bổ sung là tấm vé vớt dành cho những bạn có điểm cao nhưng không may bị trượt đại học. Nhà trường sẽ xét tuyển bổ sung theo 3 phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ THPT, xét điểm thi đánh giá năng lực" - ThS Trung nói.
TS Nguyễn Trung Nhân nhấn mạnh thí sinh không nên bỏ học để gia nhập thị trường lao động sớm. Ở giai đoạn này, mức lương 5-10 triệu đồng/ tháng có thể hấp dẫn những bạn trẻ vừa tốt nghiệp THPT, nhưng khoảng vài năm nữa, nếu không có bằng cấp thì cơ hội việc làm sẽ gặp nhiều hạn chế.
Thầy Võ Công Trí, Giám đốc Truyền thông - Sự kiện Trường CĐ Kỹ thuật - Du lịch Sài Gòn, chỉ ra 3 yếu tố quan trọng để lựa chọn trường học phù hợp gồm thời gian, chi phí, kinh nghiệm.
Theo thầy Trí, giáo dục nghề nghiệp cũng là một hướng đi hấp dẫn thu hút sinh viên trong những năm gần đầy. Thời gian đào tạo cao đẳng từ 2,5 năm, học phí khoảng 5-7 triệu đồng/ học kỳ.
Ngoài ra, hầu hết trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay đều liên kết với các doanh nghiệp để có chương trình đào tạo bám sát thực tế. Đặc biệt, nhà trường sẽ có cam kết bằng văn bản trong việc hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
Có nên vừa học ĐH vừa học CĐ?
Gửi câu hỏi về chương trình, em Hồng Tuyết Mai cho biết đang phân vân có nên học song song chương trình đại học và cao đẳng hay không.
ThS Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Giáo dục Hùng Hậu, phụ trách tuyển sinh Trường CĐ Bình Minh Sài Gòn (quận Tân Bình), cho biết hoàn toàn có thể học song song cả 2 bậc học, nhưng sinh viên cần phải lượng sức, liệu có thể sắp xếp thời gian để cân đối chương trình học của cả 2 bên hay không.
Đối với chương trình đại học, sinh viên phải có thời gian nghiên cứu nhiều, còn với chương trình cao đẳng thì phải dành nhiều thời gian để đi thực tế, tìm hiểu về các doanh nghiệp.
Nếu muốn trong vòng 4 năm học có thể đạt cả 2 tấm bằng đại học và cao đẳng, sinh viên có thể lựa chọn học chương trình đại học 2 giai đoạn tại Trường CĐ Bình Minh Sài Gòn. Hiện tại, trường đang đào tạo hơn 10 ngành nghề. Các ngành thu hút sinh viên như kế toán, quản trị kinh doanh, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành...
Cân nhắc khi từ bỏ cơ hội trúng tuyển
Một thí sinh gửi câu hỏi tới chương trình với nội dung: "Em đã trúng tuyển một ngành ở trường X. nhưng trường Y. vừa thông báo xét tuyển bổ sung. Em có thể đăng ký xét tuyển lại để được xét tuyển vào trường Y. không?". TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho biết trên nguyên tắc là được, bằng cách là các em không xác nhận nhập học trên hệ thống. Nếu như ngành ở trường X. mà em không hài lòng hãy xem xét đến trường Y. Tuy nhiên, các em hết sức lưu ý khi từ bỏ trường X. vì chỉ tiêu bổ sung không nhiều.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng lưu ý thêm: "Nếu em đã xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT mà không nhập học ở trường để tìm cơ hội khác thì không được. Thí sinh phải hết sức cân nhắc việc từ bỏ cơ hội đã trúng tuyển. Thí sinh cần tham vấn thêm từ các thầy cô để đừng bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển".
Trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành với chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" 2024":
- Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền
- Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HD Bank)
- Tập đoàn Vingroup
- Trường ĐH Văn Hiến
- Trường CĐ Kỹ thuật - Du lịch Sài Gòn
- Công ty CP Uniben
- Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Bình luận (0)