Ngày 10-1, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, công an 7 tỉnh, thành gồm TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện quy chế phối hợp 303/QCPH ngày 29-10-2020 về bảo đảm an ninh trật tự địa bàn giáp ranh giữ 7 tỉnh, thành phố.
Kết quả sau 1 năm phối hợp, lực lượng công an các cấp trong cụm 7 tỉnh đã tăng cường trao đổi thông tin, thông báo tình hình, phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, tình hình nổi lên tại các địa bàn giáp ranh; trao đổi thông tin có giá trị nhằm phối hợp triệt xóa các ổ nhóm tội phạm, đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy hoạt động trên địa bàn giáp ranh.
Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, công an 7 tỉnh, thành phố thường xuyên trao đổi thông tin về đối tượng để phối hợp đề ra giải pháp phòng ngừa, đấu tranh và điều tra mở rộng, giải quyết triệt để vụ án. Có 14 băng, nhóm tội phạm ở các địa phương được triệt phá, qua đó kịp thời điều tra, khám phá và truy bắt đối tượng gây án.
Năm 2023, trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố xảy ra 14.520 vụ phạm tội về trật tự xã hội. Trong đó, TP HCM có 6.482 vụ, Đồng Nai 2.811 vụ, Bình Dương 1.809 vụ, Long An 867 vụ, Tiền Giang 860 vụ, Tây Ninh 794 vụ, Bà Rịa - Vũng Tàu 897 vụ.
Số vụ xảy ra trong khu vực 7 tỉnh chiếm 24,9% tổng số vụ phạm tội về trật tự xã hội trên cả nước, riêng TP HCM chiếm 11,15 % tổng số đó.
So với năm 2022, một số địa phương đã kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội, ví dụ Đồng Nai giảm 37,23%; Tiền Giang giảm 11,87%; TP HCM giảm 1,78%. Các địa phương có số liệu thống kê tăng gồm: Long An tăng 10,59%; Tây Ninh tăng 10,2%; Bình Dương tăng 4,93%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 0,22%.
Công an các địa phương đã điều tra 10.105 vụ, 12.467 đối tượng. Trong đó, các địa phương đạt và vượt chỉ tiêu điều tra, phá án là Bà Rịa - Vũng Tàu (81,16%), Bình Dương (87,12%), Tây Ninh (87,66%), Long An (87,31%).
Công an các cấp của các địa phương trong cụm đã tiến hành phối hợp xác minh điều tra 1.267 vụ án.
Công an 7 tỉnh, thành phố cũng đã chủ động tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh tế; tập trung phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi gian lận thương mại, tài chính, ngân hàng, buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả; đấu tranh xử lý tội phạm phát sinh trong công tác quản lý nhà nước (đăng kiểm, đấu thầu, đấu giá, trái phiếu…).
Qua đó, phát hiện, xử lý 1.372 vụ vi phạm pháp luật về kinh tế, chức vụ, tham nhũng; khởi tố 740 vụ, 914 đối tượng...
Bình luận (0)