Sau khi tổ chức hội nghị "Nâng cao hiệu quả sử dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế (CNYT) trong xây dựng gói quyền lợi bảo hiểm y tế (BHYT)", mới đây, Bộ Y tế tiếp tục triển khai cho các đơn vị về công tác đánh giá CNYT để xây dựng danh mục thuốc BHYT.
Xây dựng gói quyền lợi BHYT hiệu quả
Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT Bộ Y tế, việc triển khai đánh giá CNYT là rất cần thiết, vì tới đây, Bộ Y tế sẽ cập nhật Danh mục thuốc BHYT, nên tác động khá lớn đến quỹ BHYT. Vì thế, cần giúp các đơn vị chuẩn bị tốt với tính khoa học, chính xác, khách quan, tuân thủ nguyên tắc của đánh giá CNYT tế khi xây dựng hồ sơ Danh mục thuốc BHYT, vừa bảo đảm tính mới, tính hiệu quả, đồng thời, cũng phải tính đến tác động đối quỹ BHYT. Điểm mới của việc cập nhật danh mục thuốc BHYT lần này là thông qua đánh giá CNYT sẽ khuyến nghị doanh nghiệp điều chỉnh giá thuốc phù hợp, để tăng tỉ lệ chi trả, giảm chi tiền túi để những người thu nhập thấp tiếp cận được với thuốc có giá cao, hiệu quả điều trị tốt.
Bà Trang cho biết danh mục thuốc BHYT cập nhật đợt này khá lớn với khoảng 200 loại, do đó, cần xem xét kỹ để lựa chọn thuốc đạt yêu cầu về hiệu quả điều trị, cũng như tỉ lệ thanh toán phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT và khả năng đồng chi trả của người dân. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ xem xét đưa ra khỏi danh mục thuốc BHYT những thuốc không đạt hiệu quả về điều trị hoặc chi phí điều trị, để giảm gánh nặng của quỹ BHYT.
Việc đánh giá CNYT sẽ do các nhà nghiên cứu thực hiện và các bệnh viện đề xuất và phối hợp với đơn vị nghiên cứu để làm. Các doanh nghiệp dược đăng ký thuốc có trách nhiệm cung cấp các dữ liệu, số liệu liên quan để phối hợp với bệnh viện chuẩn bị. Giải pháp đánh giá CNYT trong rà soát danh mục thuốc BHYT lần này là lần đầu tiên sử dụng. Hy vọng các doanh nghiệp sẽ ủng hộ để tạo công bằng trong tiếp cận cho người bệnh BHYT, đặc biệt là người yếu thế, người nghèo, mắc bệnh hiểm nghèo. "Mục tiêu giảm giá thuốc không phải số 1, mà mục tiêu lớn nhất là người bệnh được tiếp cận với những thuốc tốt, có hiệu quả điều trị cao" - vụ trưởng Vụ BHYT nhấn mạnh.
GS-TS Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng, nhấn mạnh việc sử dụng đánh giá CNYT tại các thời điểm khác nhau sẽ cung cấp thông tin cho việc ra quyết định, nhằm thúc đẩy một hệ thống y tế công bằng, hiệu quả và chất lượng cao. Mục đích của đánh giá CNYT là phục vụ xây dựng chính sách. Cũng theo ông Minh, đánh giá CNYT là cơ sở để lựa chọn thuốc và đàm phán giá thuốc, dựa trên việc phân tích chi phí hiệu quả của thuốc mới so với thuốc cũ. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh xu hướng thâm hụt quỹ BHYT rất lớn và giải pháp tăng thu, giảm chi cũng không bảo đảm được.
Ông Minh dẫn chứng Thái Lan đã có đánh giá CNYT từ 2007 và áp dụng triệt để trong đàm phán giá thuốc rất hiệu quả, tiết kiệm ngân sách. Trung Quốc, Úc, Hàn cũng bắt buộc áp dụng triệt để đánh giá CNYT trong đàm phán giá, chi trả thuốc mới BHYT.
Cơ sở để tăng quyền lợi cho người bệnh
Bộ Y tế cho biết tại Việt Nam, trong bối cảnh nguồn lực dành cho y tế còn hạn chế, trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, đòi hỏi Quỹ BHYT cần phải bao phủ nhiều dịch vụ y tế một cách hiệu quả hơn, đánh giá CNYT đã trở thành công cụ cần được phát triển và ứng dụng trong quá trình hoạch định chính sách y tế, chính sách BHYT. Theo đó, chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu rõ nhiệm vụ quan trọng của hệ thống y tế là "Xây dựng các tiêu chuẩn và triển khai công tác đánh giá CNYT để xác định các can thiệp y tế có hiệu lực, hiệu quả, chi phí thấp, bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế".
Đưa ra kết quả từ ứng dụng bằng chứng đánh giá CNYT trong xây dựng gói quyền lợi BHYT tại Việt Nam, dược sĩ Vũ Nữ Anh, Vụ BHYT - Bộ Y tế, cho rằng đánh giá CNYT là công cụ quan trọng trong việc xây dựng lựa chọn chính sách các can thiệp y tế (cộng đồng, dự phòng, vắc-xin…), trong xây dựng danh mục kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế và ứng dụng trong đàm phán giá.
Đánh giá CNYT được ứng dụng trong lựa chọn thuốc mới với kết quả đánh giá tác động ngân sách phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT, từ đó, xác định được thuốc có bằng chứng khoa học về chi phí - hiệu quả tại Việt Nam hoặc tổng quan hệ thống về chi phí - hiệu quả. Đánh giá CNYT giúp giảm giá thuốc 3%-5%. Đánh giá CNYT là công cụ quan trọng trong xây dựng chính sách quản lý BHYT", vì thế, cần "luật hóa" về đánh giá CNTT.
Bình luận (0)