Hội nghị thông tin phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức chiều 15-7 tại trụ sở Bộ GD-ĐT.
Hơn 15.300 bài thi đạt điểm 10
Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay đây là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị công bố phổ điểm.
Thống kê cho thấy năm nay, cả nước có hơn 15.300 bài thi đạt điểm 10, tăng hơn 4.400 so với năm ngoái. Cụ thể môn toán có trên 1,12 triệu thí sinh dự thi, trong đó có 513 thí sinh đạt điểm 10, có 6 bài thi điểm 0. Môn địa lý có tới hơn 6.900 bài thi đạt 10, số điểm 0 môn này là 3. Xếp sau đó là môn vật lý với 3.930 điểm 10, số điểm 0 môn này là 1.
Môn lịch sử xếp thứ 3 với 1.518 điểm 10, số điểm 0 môn này là 2. Môn giáo dục kinh tế và pháp luật có 1.451 điểm 10, không có bài thi 0 điểm. Riêng môn ngữ văn không có bài thi nào đạt mức điểm 10, có 7 bài thi điểm 0.
Số điểm 10 môn hóa học là 625, không có điểm 0; số điểm 10 môn tiếng Anh là 141, số điểm 0 môn này là 2; số điểm 10 môn công nghệ - nông nghiệp là 101, không có điểm 0; số điểm 10 môn sinh học là 82, không có bài thi điểm 0; số điểm 10 môn tin học là 60, không có điểm 0; số điểm 10 môn công nghệ - công nghiệp là 4, không có điểm 0.
Theo phân tích, môn ngữ văn phổ điểm tương đối ổn định, điểm trung bình là 7, điểm nhiều thí sinh đạt được nhất là 7,5. Môn tiếng Anh có điểm trung bình là 5,38. Theo đại diện Bộ GD-ĐT, phổ điểm môn tiếng Anh "đẹp" là một bất ngờ với cả hội đồng phân tích phổ điểm. Hà Nội, TP HCM là 2 địa phương có nhiều điểm 10 tiếng Anh nhất, cụ thể, Hà Nội có 56 điểm 10, TP HCM có 29 điểm 10. Các tỉnh còn lại trong top 10 có khoảng 3 - 5 điểm 10. Môn vật lý điểm trung bình 6,99 điểm, môn hóa học điểm trung bình là 6,06. Trong khi đó, ở môn sinh, phổ điểm có sự trải dài hơn, điểm trung bình là 5,78 điểm, có 82 thí sinh đạt điểm 10. Môn tin học có điểm trung bình là 6,78, điểm trung bình môn lịch sử là 6,52. Có 1.510 điểm 10 môn lịch sử. Địa lý có điểm trung bình là 6,63 điểm, môn công nghệ - công nghiệp có điểm trung bình là 5,79, đây là môn thi lần đầu xuất hiện ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. Môn công nghệ nông nghiệp có điểm trung bình là 7,72, đây là môn có điểm trung bình cao nhất trong số các môn thi. Môn kinh tế và pháp luật, điểm trung bình là 7,69.

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: TẤN THẠNH
Điểm tiếng Anh, toán đều "đẹp" (?!)
Đánh giá chung về điểm thi các môn, GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng tính phân hóa của đề thi năm nay tốt. Tuy môn toán, tiếng Anh khó nhưng mừng là nhìn vào phổ điểm không cảm thấy "sốc" vì điểm thấp. Về môn tiếng Anh, môn nhận nhiều sự quan tâm của dư luận, GS Đức cho rằng phổ điểm tiếng Anh "đẹp", phản ánh đúng thực tế.
"Đề thi tiếng Anh khó thật nhưng khó do chuẩn đầu ra đã thay đổi, đạt trình độ B1 chứ không còn như những năm trước. Cấu trúc đề thi tiếng Anh cũng đã thay đổi. Mọi năm có khoảng 1 triệu thí sinh thi môn tiếng Anh nhưng năm nay chỉ có hơn 300.000 thí sinh. Điểm trung bình chung không có nhiều thay đổi so với năm trước, vì khi thí sinh chọn môn tiếng Anh thường đã có năng lực tốt" - GS Nguyễn Đình Đức nói.
Trong khi đó, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, nhận định phổ điểm môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 nhìn bề ngoài có vẻ cân đối nhưng ẩn chứa nhiều bất ổn: điểm trung bình chỉ 5,38, trung vị 5,25 và gần 50% thí sinh dưới trung bình. Trong khi đó, môn vật lý đạt điểm trung bình 6,99, chỉ 9,8% thí sinh dưới 5 điểm; môn hóa học cũng ở mức 6,06, thấp hơn đáng kể so với tiếng Anh. Từ đây đặt ra một nghịch lý, đó là thí sinh chọn tiếng Anh đang chịu thiệt thòi rõ rệt khi xét tuyển vào đại học, chỉ vì độ khó và phân bố điểm thấp hơn. Cùng năng lực học tập nhưng chọn khác môn thi có thể dẫn đến chênh lệch tới 1-1,5 điểm - điều này không công bằng trong môi trường tuyển sinh cạnh tranh.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, ghi nhận phổ điểm tiếng Anh dù vẫn còn sự phân hóa vùng miền nhưng số tỉnh miền núi như Điện Biên đã vươn lên. Điều này không ngẫu nhiên mà là kết quả của sự đầu tư bài bản và phương pháp dạy học mới được triển khai hiệu quả. Phổ điểm môn toán cho thấy mức độ phân hóa rõ, điểm trung bình không cao nhưng hợp lý trong bối cảnh thay đổi cách ra đề. Quan trọng hơn, không còn chuyện "đánh bừa" mà vẫn đạt điểm cao như trước. Đề thi năm nay buộc học sinh phải tư duy, phải hiểu mới làm được. Cũng theo ông Thành, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 đã hoàn thành tốt sứ mệnh đánh giá học sinh theo hướng toàn diện và thực chất hơn.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho rằng việc đổi mới đề thi, đặc biệt ở môn toán và tiếng Anh, đòi hỏi giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, học sinh phải thay đổi cách thức học không phải là lớp 12 mà ngay từ lớp 10. Không thể chỉ dạy mẹo làm bài, học thuộc mẫu, mà phải giúp học sinh hiểu và vận dụng kiến thức.
Báo Người Lao Động sẽ đăng dữ liệu điểm thi kỳ thi THPT 2025. Mời thí sinh và phụ huynh tra cứu tại địa chỉ nld.com.vn
Đủ sức làm căn cứ xét tuyển đại học
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, đánh giá kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã thực hiện đầy đủ 3 mục tiêu quan trọng: xét tốt nghiệp, cung cấp dữ liệu đánh giá chất lượng dạy học ở phổ thông và là căn cứ cho chính sách giáo dục.
Ông Thưởng cho rằng phổ điểm năm nay được đánh giá có độ tin cậy cao, đủ sức làm căn cứ tuyển sinh đại học. Các tỉnh vùng khó khăn như Gia Lai, An Giang có học sinh đạt điểm cao ở môn tin học, phản ánh tác động tích cực từ các chính sách liên quan đến dạy học, thi cử...
Bình luận (0)