Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Tờ trình, báo cáo Bộ Chính trị về các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ giúp xã hội. Việc cải cách tiền lương được thực hiện từ ngày 1-7 tới đây.
Tiền lương tăng khoảng 30%
Điểm đáng chú ý của chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (DN) là mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực DN. Hiện nay lương khu vực DN chia làm 4 vùng: vùng I là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng II là 4,16 triệu đồng/tháng; vùng III là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng IV là 3,25 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương thấp nhất bình quân của khu vực DN hiện nay là hơn 3,9 triệu đồng. Nếu lương tối thiểu vùng tăng thì mức lương thấp nhất bình quân của khu vực DN cũng sẽ tăng cao hơn mức 3,9 triệu đồng hiện nay.
Ngoài ra, chính sách tiền lương mới cũng mở rộng quan hệ tiền lương từ hệ số 1 - 2,34 - 10 hiện nay lên 1 - 2,68 - 12. Theo đó, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao so với mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng của công chức, viên chức có trình độ trung cấp, hệ số lương 1,86 hiện nay. Mức lương trung bình của công chức, viên chức cũng có mức khởi điểm tăng từ hệ số 2,34 lên 2,68. Hiện nay, công chức, viên chức có trình độ đại học có mức lương khởi điểm hơn 4,2 triệu đồng/tháng. Mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp (bằng lương bộ trưởng) cũng được nới rộng từ hệ số 10 lên 12. Vì vậy, mức lương mới cao nhất của công chức, viên chức dự kiến cũng vượt khá xa con số 18 triệu đồng như hiện nay.
Ngoài mức lương cơ bản này, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương (trong đó có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và 10% tiền thưởng. Như vậy, nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng).
Ngoài ra, từ năm 2025, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh mức lương trong các bảng lương tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm. Tức là sau khi thực hiện cải cách tiền lương có bảng lương mới với mức lương tăng hơn so với hiện hành thì hằng năm công chức, viên chức vẫn được tăng lương thêm 7%. Việc tăng lương thêm 7% để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP và được thực hiện cho đến khi mức lương thấp nhất của khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng I của khu vực DN.
Đối với tiền lương khu vực DN, từ ngày 1-7-2024, lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm 6%. Theo dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng, với mức tăng thêm 6% từ ngày 1-7 tới, mức điều chỉnh tăng vùng I sẽ là 4,96 triệu đồng/tháng, vùng II là 4,41 triệu đồng/tháng, vùng III là 3,86 triệu đồng/tháng, vùng IV là 3,45 triệu đồng/tháng.
Ngăn "té nước theo mưa"
Khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn - Tổng LĐLĐ Việt Nam hồi tháng 4-2023 đối với gần 3.000 người lao động thuộc các ngành và loại hình DN khác nhau, cho thấy thu nhập trung bình của người lao động bao gồm cả tiền làm thêm giờ và các khoản phụ cấp là hơn 7,8 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, hơn 75% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập không đáp ứng nhu cầu chi phí sinh hoạt cơ bản hằng tháng, nhiều người phải vay mượn để trang trải nhu cầu cuộc sống.
Do đó, theo TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, việc tăng lương chỉ thực sự ý nghĩa khi lạm phát được kiểm soát và nhà nước luôn sẵn sàng các phương án can thiệp, biện pháp bình ổn thị trường phù hợp, kịp thời khi có biến động về giá. Bởi nhiều năm nay có tình trạng lương chưa tăng nhưng giá các mặt hàng thiết yếu đã tăng. Khi lương được điều chỉnh tăng thì giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng mượn cớ "té nước theo mưa".
Mới đây, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường, tránh tình trạng mức điều chỉnh tăng lương không theo kịp lạm phát, tăng giá các mặt hàng trên thị trường.
Nêu những thách thức, khó khăn tác động đến lạm phát trong thời gian tới, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê, cho rằng việc cải cách tiền lương và tăng lương tối thiểu từ ngày 1-7 có thể sẽ kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong gia đình tăng lên. Vì thế, theo bà Oanh, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thịt lợn, xăng dầu, gas... để có giải pháp điều hành phù hợp.
Triển khai đồng bộ chính sách tiền lương
Bộ Nội vụ đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới. Dự kiến bộ này ban hành thang, bảng lương mới trong tháng 5-2024.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định cải cách tiền lương là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác quý II/2024. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn để triển khai đồng bộ chính sách tiền lương.
TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội:
Phải xác định được vị trí việc làm
Lần cải cách chính sách tiền lương này sẽ tác động đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu từ ngân sách nhà nước. Tất cả đều kỳ vọng tiền lương sẽ được nâng lên và đủ sống; phải được trả theo đúng giá trị sức lao động theo nguyên tắc thị trường.
Nguyên tắc của tiền lương phải bảo đảm công bằng, cùng một vị trí việc làm, lương phải ngang nhau. Do đó, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chúng ta phải xác định được vị trí việc làm; gắn với vị trí việc làm là mức lương cụ thể theo quy định của hệ thống thang, bảng lương.
Bà Châu Thị Ngọc Liên, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Thái Sơn S.P (quận Bình Thạnh, TP HCM):
Chủ động điều chỉnh tăng lương cho người lao động
Để không bị động trước việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng, Công ty TNHH Thái Sơn S.P đã xây dựng kế hoạch điều chỉnh tiền lương và dự trù kinh phí chi trả lương, điều chỉnh mức đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (NLĐ). Về mức điều chỉnh, đối với khối công nhân sản xuất trực tiếp là 280.000 đồng/người/tháng. Riêng khối văn phòng tăng 6% mức tiền lương theo hợp đồng lao động.
Hiện nay, đơn hàng trở lại nhưng vẫn không dồi dào như thời điểm trước dịch COVID-19. Không chỉ DN mà NLĐ cũng gặp rất nhiều khó khăn vì đã 2 năm, lương tối thiểu vùng chưa được điều chỉnh. Vì vậy, trong lần tăng lương này, công ty đã sớm có sự cân nhắc và xây dựng kế hoạch tăng lương để chia sẻ với NLĐ.
Bà Phan Thị Minh Thu, Giám đốc Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (KCN Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP HCM):
Sẵn sàng cải thiện thu nhập cho người lao động
Trải qua hơn 2 năm sụt giảm đơn hàng thì từ đầu năm 2024, đơn hàng đã dồi dào trở lại, vì vậy chúng tôi cũng sẵn sàng cải thiện thu nhập cho NLĐ. Chúng tôi cũng đã có phương án tăng lương cho NLĐ từ ngày 1-7 với mức tăng 280.000 đồng/người/tháng.
Hiện công ty vẫn đang áp dụng cách tính lương thời gian cho NLĐ. Theo đó, mức lương thấp nhất tại công ty đang là 4,68 triệu đồng, cộng với 7%. Như vậy, sau khi điều chỉnh, mức lương thấp nhất tại DN là 4,96 triệu đồng/người/tháng, cộng với 7%. Ngoài ra, công ty có nhiều loại phụ cấp khác, khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Do DN trả lương thời gian nên NLĐ rất mong chờ vào đợt tăng lương này. Sau khi tăng lương, thu nhập thực tế của họ sẽ được cải thiện.
V.Duẩn - H.Đào ghi
Bình luận (0)