Hiệu quả từ một mô hình
Trường Công nghiệp Thực phẩm TPHCM là một trong 3 trường dạy nghề - cùng với Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng và Trường TH May & Thời trang II - được chọn triển khai chương trình liên kết đào tạo công nhân kỹ thuật (CNKT). Chương trình này của Sở LĐ-TB-XH TPHCM, tiến hành từ năm 2004, chỉ tiêu đào tạo 450 CNKT lành nghề.
Ngoài 156 học viên ngành chế biến thủy sản của Trường Công nghiệp Thực phẩm tốt nghiệp có việc làm, tại Trường Cao Thắng, 104 học viên thuộc 2 ngành điện và cơ khí tốt nghiệp cũng được Công ty Caric nhận vào làm chính thức mà không qua giai đoạn thực tập hay thử việc. Riêng Trường TH May & Thời trang II, gần 200 học viên ngành công nghệ may vừa tốt nghiệp đã được 2 công ty may Việt Tiến và Hữu Nghị tuyển dụng ngay.
Ông Lê Xuân Lâm, Hiệu phó Trường Cao Thắng, cho biết thực chất đây là mô hình đào tạo theo địa chỉ, không những giúp người học nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận, làm quen công việc thực tế từ sản xuất của doanh nghiệp (DN) mà còn yên tâm có làm việc ngay sau khi ra trường. Một trong những người xây dựng chương trình này, ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng Phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB - XH TPHCM, nhấn mạnh nhờ gắn kết được đào tạo – sử dụng lao động, nên hiệu suất đào tạo và tỉ lệ học sinh học nghề được giải quyết việc làm rất cao.
Nhiều trường nghề liên kết đào tạo
Liên kết đào tạo CNKT là một hướng của xã hội hóa dạy nghề, không riêng gì ở chương trình trên, thời gian qua, đã có nhiều trường nghề chủ động tìm kiếm DN triển khai mô hình này. Trong năm 2005, Trường Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương ký hợp đồng với các công ty điện lạnh Đồ Sơn, Thuận An Phát và pin Pinaco... đào tạo nâng cao tay nghề cho hơn 50 công nhân.
Tại Trường Kỹ thuật Nghiệp vụ Nguyễn Hữu Cảnh, từ năm 2004 đến nay, đã ký hợp đồng liên kết đào tạo 250 CNKT với hơn 10 DN. Trong quý I/2006, trường ký tiếp 3 hợp đồng với Chi cục Thuế TPHCM, Cục Đường sông số 10, Xí nghiệp Xây lắp - Tổng Công ty Dầu khí để đào tạo kỹ thuật viên tin học và thợ hàn. Riêng Trường CNKT TPHCM, ngoài liên kết đào tạo công nhân may cho Công ty Cổ phần May Sài Gòn 2 còn đang nhận đào tạo CNKT ngành điện cơ cho Công ty Liên doanh Chế biến gỗ Woodworth Wooden VN tại Củ Chi. Theo thỏa thuận, từ nay đến năm 2008, trường sẽ tuyển, đào tạo khoảng 7.000 CNKT cho công ty này. Học viên sau khi tốt nghiệp sẽ có mức thu nhập bình quân từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng.
Theo ông Nguyễn Trần Nghĩa, Hiệu trưởng Trường CNKT TPHCM, lợi ích của việc liên kết đào tạo là rất lớn. Thấy rõ nhất là các trường nghề có thể tận dụng được trang thiết bị của DN để nâng chất đào tạo và giải quyết đầu ra cho người học, trong khi DN chủ động tháo gỡ được bài toán khan hiếm CNKT lành nghề.
Cần nhân rộng mô hình
Từ chương trình của Sở LĐ-TB-XH TPHCM đến sự chủ động tìm kiếm DN đào tạo theo địa chỉ của một số trường nghề, có thể thấy việc liên kết đào tạo CNKT giữa các trường nghề và DN là hết sức cần thiết. Theo ông Nguyễn Thành Hiệp, năm 2006, chương trình liên kết đào tạo CNKT sẽ tiếp tục được triển khai tại 3 trường trên. Đây được coi là chương trình điểm và theo ông Hiệp, song song đó cần phải nhân rộng mô hình liên kết đào tạo CNKT. Nếu mỗi trường đều làm tốt công việc này, chất lượng đào tạo, hiệu quả đào tạo và giải quyết đầu ra cho người học nghề sẽ được cải thiện.
Cái khó hiện nay là vẫn còn có quá ít trường nghề và DN quan tâm đến việc liên kết đào tạo theo địa chỉ. Hiệu trưởng một trường nghề nói rằng: “Thói quen sử dụng lao động “chùa” vẫn còn phổ biến ở nhiều DN. Ngay cả xin cho học sinh thực tập cũng đã là khó, chứ chưa nói đến liên kết đào tạo”...
Bình luận (0)