Bộ Xây dựng cho biết, hiện cả nước mới hoàn thành đầu tư xây dựng 87 dự án nhà ở xã hội cho CN các KCX-KCN, quy mô xây dựng khoảng 28.800 căn hộ, mới đáp ứng được gần 28% nhu cầu về nhà ở cho CN. Theo thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện cả nước có 2,8 triệu CN tại các KCX-KCN, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở.
Cán bộ LĐLĐ quận Thủ Đức, TP HCM, thăm hỏi công nhân khu lưu trú Công ty TNHH May Vạn Thành
Theo quy hoạch phát triển các KCX-KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, tổng số CN các KCX-KCN đạt khoảng 7,2 triệu người. Số CN làm việc tại các KCX-KCN trên cả nước có nhu cầu về chỗ ở đến năm 2020 khoảng 4,2 triệu người, tương đương khoảng 33,6 triệu m2 nhà ở. Như vậy, số lượng nhà ở cần đầu tư xây dựng để đáp ứng nhu cầu cho CN các KCX-KCN là rất lớn.
Theo các chuyên gia, để phát triển mạnh loại hình nhà ở cho CN, thì xã hội hóa là phương án tối ưu. Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà đầu tư đang không quá mặn mà đầu tư vào mô hình này. Nguyên nhân là việc đầu tư đòi hỏi nguồn vốn lớn, nhưng nếu chỉ cho thuê và thuê mua thì thời gian thu hồi vốn rất dài, khả năng sinh lợi thấp. bên cạnh đó, nhà nước chưa có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ về tín dụng, thuế đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà cho CN ở các KCX-KCN.
Lãnh đạo LĐLĐ TP HCM thăm hỏi công nhân ở trọ tại quận Gò Vấp, TP HCM
Để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho CN, các chuyên gia đề xuất Chính phủ cần quan tâm và bổ sung cơ chế, chính sách liên quan đến nhà ở cho CN nhân, như vay và sử dụng vốn ODA theo hướng bổ sung lĩnh vực xây dựng nhà ở CN các KCX-KCN là lĩnh vực được ưu tiên vay.
Bình luận (0)