Tổng cục Du lịch vừa yêu cầu Sở Du lịch, Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) các tỉnh, thành phố thực hiện triển khai quản lý HDV du lịch theo quy định của Luật Du lịch năm 2017.
Luật Du lịch năm 2017 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Theo quy định của Luật Du lịch 2017, HDV chỉ được hành nghề khi đáp ứng cả 3 điều kiện.
Thứ nhất, có thẻ HDV du lịch. Thứ hai, có hợp đồng lao động với DN kinh doanh dịch vụ lữ hành, DN cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với HDV du lịch quốc tế và HDV du lịch nội địa. Thứ ba, có hợp đồng hướng dẫn với DN kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch; đối với HDV du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.
Nhằm triển khai quy định trên của Luật Du lịch 2017 và để các HDV du lịch hoạt động đúng luật, Tổng cục Du lịch đề nghị Sở Du lịch, Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu cho UBND cấp tỉnh, thành phố tạo điều kiện thành lập tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng và nghiệp vụ cho HDV, kiểm tra, giám sát hoạt động của hướng dẫn viên trong việc tuân thủ pháp luật.
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, cả nước hiện có hơn 20.000 HDV du lịch nội địa và quốc tế. Hiện nay, HDV có thể lựa chọn làm việc cho một công ty hoặc làm HDV tự do. Tuy nhiên, phần lớn HDV hiện chọn kiểu làm việc tự do, không thuộc quân số của đơn vị nào khiến cho việc quản lý HDV đang gặp nhiều khó khăn.
Tổng cục Du lịch đã có trang web để quản lý HDV có thẻ. DN có thể vào đó để tìm người, để biết người nào còn thẻ, người nào vừa hết. Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã thành lập Hội HDV du lịch. Hội có trụ sở chính tại Hà Nội và 2 văn phòng đại diện tại Đà Nẵng và TP HCM. Hiện nay, đã có khoảng 5.000 HDV đăng ký tham gia hội này.
Bình luận (0)