Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Công đoàn (CĐ) Việt Nam, sáng 28-7, tại Hội trường Báo Người Lao Động (123 Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM), Báo Người Lao Động đã tổ chức tọa đàm chủ đề "CĐ TP HCM - tiếp bước truyền thống, hướng tới tương lai".
Chương trình có sự tham gia của 3 khách mời gồm: ông Mai Đức Chính, nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM; ông Phạm Đình Dũng, Chủ tịch CĐ Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân tặng hoa cho các khách mời tại buổi tọa đàm
TP HCM là địa phương năng động bậc nhất cả nước, phong trào CNVC-LĐ và hoạt động CĐ TP cũng là điểm sáng của hoạt động CĐ cả nước. Với tinh thần năng động, sáng tạo, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, hàng chục năm qua, không chỉ thực hiện tốt sứ mệnh đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, CNVC-LĐ, tổ chức CĐ TP đã khởi xướng nhiều chương trình có sức lan tỏa, khẳng định chỗ đứng vững chắc trong lòng đoàn viên, CNVC-LĐ.
Quang cảnh buổi trực tuyến tọa đàm
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, CĐ TP cũng đứng trước những thách thức đòi hỏi phải có sự thay đổi mạnh mẽ để hướng đến tương lai. Trong khi đó, đời sống người lao động (NLĐ) vẫn còn rất nhiều khó khăn cần đến sự hỗ trợ của tổ chức CĐ. Vì vậy, tại chương trình giao lưu, vấn đề nhận diện thách thức và đổi mới hoạt động CĐ để hội nhập và phát triển là nội dung được các khách mời tập trung mổ xẻ.
3 khách mời tại buổi tọa đàm
Theo ông Mai Đức Chính, vấn đề thành lập tổ chức của NLĐ bên cạnh CĐ Việt Nam đã được quy định trong Bộ Luật Lao Động 2019 và sẽ có hiệu lực trong thời gian sắp tới. Đây là thử thách lớn. Trước đây, tổ chức CĐ chỉ có một mình, khi đất nước hội nhập quốc tế, CĐ phải tham gia vào sân chơi nhiều tổ chức dại diện NLĐ, đòi hỏi CĐ Việt Nam thật sự đổi mới để làm chỗ dựa, niềm tin của NLĐ.
Ông Mai Đức Chính, nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm
"Trước hết, CĐ cơ sở và cấp trên phải tập trung hướng về cơ sở, quan tâm đến quyền lợi của NLĐ để NLĐ thấy rằng có tổ chức CĐ bảo vệ, nếu chúng ta không làm tốt, NLĐ sẽ có lựa chọn khác bởi trong doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện NLĐ thì ai chăm lo, bảo vệ tốt nhất thì họ là đoàn viên của tổ chức đó. Vì vậy, ngay từ giờ, CĐ Việt Nam nói cung và TP nói riêng phải tập trung thành lập CĐ cơ sở, phát triển đoàn viên, chăm lo tốt cho đoàn viên để họ thấy được vai trò CĐ. Trải qua 90 năm, CĐ Việt Nam là tổ chức có truyền thống tốt đẹp, có bề dày lịch sử, nếu chúng ta thực sự đổi mới, quan tâm đến NLĐ thì họ sẽ tiếp tục ở lại, tiếp tục tham gia với tổ chức CĐ" - ông Chính khẳng định. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc CĐ tham gia vào xây dựng thỏa ước lao động tập thể có chất lượng để NLĐ được hưởng quyền lợi ngày càng tốt hơn.
Ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM
Về vấn đề này, ông Kiều Ngọc Vũ cũng cho biết đến hôm nay CĐ Việt Nam đã hình thành 91 năm, CĐ tiếp tục khẳng định là tổ chức đại diện theo Hiến pháp và các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập, CĐ buộc phải thay đổi, sắp xếp lại để hoạt động có hiệu quả hơn, gắn kết với NLĐ, hướng mạnh về cơ sở, đầu tư để cơ sở nâng chất lượng hoạt động, bỏ bớt các hoạt động không thiết thực, đối thoại, thương lượng chất lượng hơn, chăm lo nhiều hơn, tốt hơn để tập hợp NLĐ vào tổ chức CĐ.
Các đại biểu tham gia buổi trực tuyến
Ông Vũ cho biết: "Ngoài ra, muốn cạnh tranh, CĐ phải có sự khác biệt. Với bề dày lịch sử, CĐ TP có rất nhiều chất liệu để điều tiết hoạt động, thay đổi phù hợp. Hiện trên địa bàn TP HCM, CĐ TP có những giải thưởng để vinh danh, cám ơn NLĐ, cám ơn đoàn viên đã có những đóng góp tích cực, điển hình như Giải thưởng Tôn Đức Thắng. Đối với cán bộ CĐ có những hoạt động để khích lệ như gương người cán bộ CĐ của chúng tôi, Giải thưởng 28-7... hay các hoạt động đào tạo tay nghề cho NLĐ để đáp ứng xu hướng hội nhập, việc này rất cần thiết vì khi hội nhập yêu cầu NLĐ làm việc năng suất cao hơn".
Ông Phạm Đình Dũng, Chủ tịch Công đoàn Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM cho rằng mỗi người lao động phải ý thức được việc tự học, tự rèn, bám sát thực tiễn đời sống, làm tốt công việc hiện tại, tạo ra cải tiến, những sản phẩm tốt hơn
Là khách mời duy nhất ở cơ sở và trưởng thành từ phong trào CNVC-LĐ, từng xuất sắc đạt cả hai giải thưởng cao quý Giải thưởng Tôn Đức Thắng và Giải thưởng 28-7, ông Phạm Đình Dũng chia sẻ: "Trong quá trình hội nhập, mỗi NLĐ phải ý thức được việc tự học, tự rèn, bám sát thực tiễn đời sống, làm tốt công việc hiện tại, tạo ra cải tiến, những sản phẩm tốt hơn. Còn với phương diện là cán bộ CĐ, với tôi điều quan trọng là phải am hiểu về pháp luật, chế độ chính sách, để giải thích, để bảo vệ NLĐ".
Ông Tô Đình Tuân - Tổng Biên Tập Báo Người Lao Động (Thứ 3 từ phải vào) và 3 khách mời tại tọa đàm
Anh Nguyễn Anh Đào, (quận 4, TP HCM)
Xúc động, tự hào
Được mời dự tọa đàm là vinh dự của cá nhân tôi và nhiều đoàn viên khác. Những chia sẻ của các cô, chú cán bộ CĐ đi trước đã giúp thế hệ trẻ chúng tôi thấy được tinh thần năng động, sáng tạo của tổ chức CĐ TP. Hoạt động CĐ dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng thể hiên được nét riêng, hướng đến mục tiêu chăm lo toàn diện và bảo vệ đoàn viên - lao động.
Chị Phan Thị Ngân Hàng (quận 2, TP HCM)
Tự hào là đoàn viên Công đoàn
Qua buổi tọa đàm, tôi hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa các chương trình chăm lo do tổ chức CĐ TP khởi xướng. Sức lan chương trình tạo được dấu ấn riêng như Tháng CN, Tấm vé nghĩa tình, Trái tim nghĩ tình đã tạo nên sức sống cho phong trào CNVC-LĐ và hoạt động CĐ TP. Chúng tôi tự hào khi là đoàn viên CĐ.
Huyền Anh - Phùng My ghi
Bình luận (0)