Ở công ty tôi có nhiều nhân viên đến Phòng Tư vấn Sức khỏe Nghề nghiệp để nêu thắc mắc: “Tại sao đồng nghiệp không thích chia sẻ, bàn bạc công việc, thậm chí chỉ là nói chuyện phiếm với tôi? Tại sao mọi người đang chuyện trò rôm rả nhưng thấy tôi đến gần thì lập tức im lặng? Tại sao khi tôi chủ động gợi mở một vấn đề gì đó thì mọi người không hào hứng tham gia, trái lại còn né tránh?...”.
Câu trả lời là, trong mắt đồng nghiệp, bạn là một người đáng phải... dè chừng bởi có thể trước đó bạn đã vô tình hoặc cố ý “làm lộ thông tin” hoặc thông tin không trung thực, không đúng sự thật; thông tin với ý đồ để người này ghét người kia, gây mất đoàn kết nội bộ...
Để biết mình có phải là mẫu người “nhiều chuyện” hay không, bạn có thể đối chiếu với những nội dung sau đây để rút ra kinh nghiệm cho bản thân và sửa đổi.
- Khi tình cờ nghe được một chuyện gì đó, trong bạn phát sinh nhu cầu phải tìm ngay một người nào đó để kể lại, bất kể người đó là ai và người ấy có muốn nghe câu chuyện của bạn hay không?
- Bạn có thể “thêm mắm, dặm muối” - dù không cố ý, để câu chuyện thêm phần ly kỳ, hấp dẫn mà không hề nghĩ đến việc đó có ảnh hưởng gì đến người bị đề cập trong câu chuyện của mình hay không?
- Rất nhiều lần, bạn nghe câu chuyện một cách “ba chớp, ba nhoáng” chẳng rõ đầu đuôi nhưng rất hào hứng kể lại với mọi người y như thể mình đã tận mắt chứng kiến. Sau đó, mọi người kiểm chứng và phát hiện bạn nói không đúng sự thật.
- Bạn không cố ý nhưng hay vui miệng kể những điều không nên kể, những điều mà khi ai đó nói với bạn, họ đã cẩn thận dặn “đừng nói lại với ai”. Khi người ta phát hiện bạn không giữ lời, họ sẽ không tin tưởng và còn tẩy chay bạn.
- Khi biết một chuyện gì đó của đồng nghiệp, bạn nghĩ bụng, sếp cũng cần phải biết chuyện này. Thế là bạn “ton hót” với sếp. Kết quả có thể tốt hoặc xấu đối với người bị bạn nói sau lưng; có thể sếp sẽ cần bạn như “tai mắt” của sếp, thế nhưng, cả sếp lẫn đồng nghiệp sẽ không đánh giá cao tính “mách lẻo” này của bạn. Dĩ nhiên, sẽ chẳng có ai “móc ruột, móc gan” ra mà tâm sự với bạn.
Đừng trách tại sao đồng nghiệp xa lánh, không tin tưởng, không thân thiết với mình. Trước khi trách người thì hãy xét lại mình. Cần biết rằng “nhiều chuyện” là một trong những tính cách bị ghét nhất nơi một con người.
Bình luận (0)