Chị kể ngày nào cũng nhặt nhạnh được cả chục ký vải vụn và ước ao: “Phải chi mấy chị để riêng một góc trong xưởng, cuối ngày tôi vô lấy đem về, khỏi phải giặt giũ mắc công”. Tôi thấy chị nói rất có lý. Vải vụn trong xưởng cắt ngày nào cũng có. Công ty cũng trang bị thùng rác sinh hoạt và rác nguyên phụ liệu nhưng không ai tuân thủ việc bỏ rác đúng quy định.
Có lần tôi nhắc nhở thì bị nói là nhiều chuyện, lo chuyện bao đồng. Có chị bạn còn mỉa mai: “Cô đâu phải trưởng xưởng mà nhắc nhở mọi người? Bộ muốn làm lãnh đạo hả?”. Tôi nói công ty có quy định thì phải chấp hành. Để lẫn lộn rác như vậy sẽ gây khó khăn cho bộ phận tạp vụ, vệ sinh vì họ phải phân loại rác rất cực. Hơn nữa, vải vụn vẫn có thể tận dụng để làm những chuyện khác có ích như may quần áo, gối, mền cho các cơ sở từ thiện. Vẫn chị đồng nghiệp kia lên tiếng: “Ai rỗi hơi mà làm những chuyện bao đồng đó? Nếu có bán phế liệu thì cũng không tới tay mình. Làm chi cho người khác hưởng vậy? Đúng là rỗi hơi”.
Nghe chị nói mà tôi rất buồn. Nhìn những miếng vải vụn lẫn lộn trong cơm canh thừa, nước trái cây và bao nhiêu thứ rác thải khác được chị tạp vụ nâng niu như báu vật, tôi thấy buồn cho một bộ phận rất đông đồng nghiệp của mình. Họ chẳng suy nghĩ được như chị tạp vụ. Nếu thấy công việc chẳng mang lại lợi ích gì cho bản thân thì họ chẳng thèm làm, thậm chí còn dè bỉu, chê bai.
“Em cũng rảnh thiệt, hơi đâu lại buồn bực vì chuyện đó? Nhiệm vụ của họ là dọn vệ sinh thì họ phải làm, mắc mớ gì em phải lo cho họ”. Chính chị trưởng xưởng của tôi cũng suy nghĩ như vậy khi tôi đề nghị chấn chỉnh việc bỏ rác trong bộ phận mình. Tôi thật sự rất thất vọng. Trong xưởng của tôi, tất cả đều có ăn học, thậm chí 100% học cao hơn chị tạp vụ nhưng không ai có nhận thức được như chị.
Hơn lúc nào hết, tôi nhận thức rất rõ chỉ một bàn tay thì không vỗ thành tiếng kêu...
Bình luận (0)