Trong Dự thảo sửa đổi Luật BHXH lần này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất 2 phương án giải quyết chế độ BHXH 1 lần cho NLĐ. Phương án 1 là giữ nguyên quy định hiện hành (Nghị quyết 93/2015/QH13); phương án 2, NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu, ghi nhận trên sổ BHXH để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Tại hội nghị góp ý Luật BHXH sửa đổi do LĐLĐ TP HCM tổ chức mới đây, hầu hết các ý kiến Công đoàn đều thống nhất chọn phương án 1. Theo bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, số tiền rút từ BHXH một lần có thể xem là tài sản của NLĐ. Việc hạn chế hay không cho phép NLĐ nhận BHXH một lần là vi phạm quyền tài sản của công dân. Do vậy, nếu áp dụng phương án 2 là vi hiến. "Do đó, không nên hạn chế rút BHXH một lần mà cần vận động, giải thích, tuyên truyền để NLĐ thấy được tính ưu việt của chế độ hưu trí, từ đó tiếp tục ở lại hệ thống an sinh" - bà Hương đề xuất.
Gởi ý kiến đến Báo Người Lao Động xung quanh đề xuất này, nhiều bạn đọc cũng cho rằng nên giữ nguyên như luật hiện hành. Bạn đọc Phạm Ngọc Tài, bày tỏ: "Làm nhà nước thì có cơ hội làm đến 55 năm đến 60 năm. Còn làm doanh nghiệp nước ngoài đặc biệt là công nhân mấy ai cho làm đến tuổi đó. Doanh nghiệp sẽ cho họ nghỉ sớm, khi đó kiếm việc đâu ra. Đợi đến khi có lương hưu thì còn lâu nên người lao động sẽ muốn rút sớm để trang trải trước mắt chứ ai chẳng muốn có lương hưu để khỏi phụ thuộc vào con cái khi về già"
Bạn đọc Lương Hồng Tâm hài hước: "Theo thống kê mới nhất, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73 tuổi. Nếu ai may mắn nhận được 11 năm (nam), 13năm (nữ)... là đăng xuất khỏi trái đất!". Tương tự, một bạn đọc tên Dũng đặt câu hỏi: "Tuổi nghỉ hưu của Việt Nam sánh tầm các nước phát triển cao như Mỹ,Pháp, cao hơn cả Hàn Quốc nhưng điều kiện sống và sức khỏe thì còn kém họ rất xa. Điều này không thấy các nhà làm luật viện dẫn bao giờ?". Bạn đọc Trúc Mai bộc bạch: "Nói thật nếu phải chờ đến 62 tuổi mới được lĩnh 75% lương thì em chịu. Là phụ nữ sau sinh sức khỏe suy giảm, công việc lao động chân tay, ngoài 40 tuổi rất ít có doanh nghiệp thuê vì không đủ điều kiện sức khỏe. Quốc hội nên xem xét lại cho người đã đóng đủ BHXH 20 năm được nghỉ hưu".
Bạn đọc Phùng Anh bày tỏ: "Còn tăng tuổi hưu thì càng nhiều người rút BHXH lần. Nếu nghĩ cho người lao động thì phải giảm tuổi nghỉ hưu xuống. Những công nhân như chúng tôi 40 tuổi thất nghiệp ai thuê, có thì cũng là những việc nặng nhọc chẳng ai muốn làm". Với bạn đọc Trần Hùng, ôi độ tuổi lao động bắt đầu từ 20 làm việc trong 35 năm đến 55 tuổi là sức khỏe đã rã rời rồi, do vậy độ tuổi nghỉ hưu 55 tuổi với nam và 50 tuổi với nữ là phù hợp.
Theo nhiều bạn đọc, để khắc phục tình trạng rút BHXH 1 lần thì nên giảm tuổi hưởng lương hưu. Nếu người lao động đóng đủ 25 năm BHXH thì được quyền quyết định hưu, không quan tâm nam hay nữ, không ràng buộc tuổi tác. Bạn đọc Bùi Quốc Tuấn góp ý: "Đóng đủ 25 năm BHXH là được nghỉ hưu bất kể nam hay nữ (trường hợp đóng thêm thì hưởng % thêm). Một bạn đọc giấu tên nói: "Tóm lại là giảm tuổi nghỉ hưu đi. 50-55 tuổi là đủ tuổi nghỉ hưu rồi. Phải cho người lại động được hưởng chế độ của họ chứ. Chờ đến 62 tuổi thì quá xa". Với bạn đọc Nguyễn Hải, cứ đóng từ 20 năm BHXH trở lên nếu người lao động có nguyện vọng nghỉ hưu thì cho nghỉ.
Bạn đọc Cao Đồng đề xuất: "Theo tôi chả phải nghiên cứu sửa đổi nhiều làm gì, cứ ai đóng đủ thời gian quy định thì họ muốn nghỉ thì nghỉ ai tiếp tục đóng thì đóng, chả phải quy định tuổi nghỉ hưu 60 rồi 62, chả ai rút một lần làm gì. Còn cứ bắt họ chờ đến tuổi nghỉ hưu thì ai chờ nổi? Lấy ví dụ một người đi làm từ 20 tuổi đến 45 tuổi là họ tham gia bảo hiểm xã hội 25 mà họ 45 tuổi mà bắt chờ 17 năm sau mới nhận lương hưu, hết sức vô lý". Tương tự, bạn đọc tên Hà góp ý: "Cứ qui định đóng bao nhiêu năm thì đủ điều kiện hưởng lương hưu, không quy định tuổi nghỉ hưu, chỉ khống chế người lao động không làm quá tuổi. Còn nghỉ hưu ở tuổi nào là do người lao động tự quyết định khi đã đóng đủ BHXH theo số năm quy định. Lúc ấy không ai rút BHXH ra làm gì, chỉ mong đóng đủ năm để hưởng.
Thực tế hơn, bạn đọc Nguyễn Thị Hiên đề xuất: "Nhà nước cứ quy định như mức cũ là nữ 53tuôi nam 55 như ngày xưa và đủ 25 năm hay 30 năm đóng là được hưu tối đa. Còn hỗ trợ những người đóng đủ từ 20 năm hay 15 năm mà đủ tuổi hưu thì cũng được lấy hưu nhưng trừ theo hệ số 2% cho mỗi năm đóng thiếu là OK, không ai bị thiệt cả vì đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít.
Nói lên tiếng lòng của người lao động
Một bạn đọc tên Danh gởi lời cám ơn đến Báo Người Lao Động vì đã dám nói lên nỗi lòng của hàng triệu lao động. "Rất biết ơn Báo Người Lao Động đã nêu lên ý kiến về vấn đề bức xúc hiện nay là tuổi hưu rất bất hợp lý. Cần phải lập tức trả tuổi hưu về lại đúng với thực tế sức khỏe và đời sống của người tham gia BHXH là nam 55 tuổi nữ 50 tuổi để giải quyết mọi vấn đề đang phát sinh". Tương tự, bạn đọc Dương Chí Nguyện bày tỏ: "Thật sự tôi không còn gì để nói. Cám ơn Báo Người Lao Động đã nói lên được tất cả tâm tư nguyện vọng của người dân".
Bạn đọc Nguyễn Bá Thành thiết tha mong Báo Người Lao Động tích cực tham gia lý giải bài toán BHXH này để người lao động bớt khổ vì lâu nay đều tiến thoái lưỡng nan với luật BHXH chưa hợp lý này. Bạn đọc Lê Đình Thuyên bộc bạch: "Rất cảm ơn Báo Người Lao Động. Đã có những bài viết rất tốt cho người lao động. Theo tôi, nên quy định tuổi nghỉ hưu phù hợp với các trường hợp lao động. Đặc biệt quan tâm nghiên cứu tuổi nghỉ hưu cho các trường hợp lao động trực tiếp trong các công ty doanh nghiệp. Nam nữ thì cứ 55 tuổi là cho nghỉ hưu nếu đủ trên 20 năm đóng bảo hiểm. Chứ như hiện nay thì không mấy ai chờ đợi được đến 60 cả".
Bình luận (0)