Chính nhờ có cái rađa ấy mà chuyện gì trong cơ quan sếp cũng biết: Từ chuyện cô A đang lục đục với chồng, anh B đang tằng tịu với kế toán trưởng, chị C trưa trưa hay rủ chồng người khác đi ăn cơm văn phòng… Đặc biệt, thông tin mà sếp thích nghe nhất là “tay Y nói sếp chuyên quyền, độc đoán; lão Z hôm kia đi nhậu với lãnh đạo trên bộ; bà T đang vận động nhân viên dồn phiếu tín nhiệm để soán ngôi sếp trong nhiệm kỳ tới…”. Tất nhiên là sau những thông tin ấy, những người có mặt trong danh sách đen bị ghim gút, khó dễ, phê bình, họp tới họp lui để đánh giá cán bộ…
Thế rồi, chẳng hiểu cơn cớ gì mà cấp trên thay sếp bằng một người khác. Vị sếp mới này vốn là người cũ của cơ quan, vì không cùng phe cánh nên 5 năm trước bị đẩy đi chỗ khác. Sếp mới về chưa được bao lâu thì mấy cái rađa lại ngo ngoe ngóc dậy. Sếp nghe mấy anh trình báo, tâu rỗi rất nhiều nhưng chỉ cười cười, không nói gì.
Cho đến một ngày, nhân có cuộc họp mặt liên hoan ngày thành lập cơ quan, trong lúc trà dư tửu hậu, sếp lại cười cười: “Tôi là tôi rất ghét mấy người không lo làm việc mà suốt ngày cứ canh me nói xấu người này, đâm thọc người kia. Hôm nay tôi nói lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng: Nếu nhân viên của tôi, ai có tính đó là tôi đuổi!”.
Từ hôm đó, chẳng còn thấy ai thậm thụt vào ra phòng sếp lúc sáng sớm hoặc chiều muộn. Mọi người chăm chỉ làm việc. Thành tích của nhân viên được đánh giá dựa trên những đóng góp thực tế. Đặc biệt, một không khí vui vẻ, cởi mở tràn ngập khắp nơi.
Sếp về củng cố cơ quan được 3 năm thì được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn. Tôi là người được đề cử vào thay vị trí của sếp. Trước khi chia tay, sếp nói chuyện với tôi rất nhiều nhưng tôi nhớ nhất câu nói của sếp về cách phải tỉnh táo trước những lời xu nịnh: “Có người thích nghe thì mới có người thích nói, nhưng nghe bậy thì sẽ làm bậy. Đơn giản vậy thôi”.
Bình luận (0)