Liên quan đến vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, trong văn bản đề xuất, góp ý một số nội dung lớn trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu đối với tất cả công chức, tăng một bộ phận lớn viên chức, tuy nhiên chỉ tăng một bộ phận nhỏ đối với công nhân lao động và mức tăng đối với lao động nữ chỉ nên là 58 tuổi.
Tình hình thiếu việc làm và thất nghiệp ở mức 2%/năm, tỉ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi 1,46%, mỗi năm trung bình có khoảng 1,2 triệu người bước vào thị trường lao động
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện nay xu hướng tăng tuổi nghỉ hưu cơ bản diễn ra ở các nước thiếu lao động, trong khi Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, tình hình thiếu việc làm và thất nghiệp ở mức 2%/năm, tỉ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi 1,46%, mỗi năm trung bình có khoảng 1,2 triệu người bước vào thị trường lao động. Việt Nam cũng đồng thời bước vào thời kỳ già hóa dân số, việc quy định tuổi nghỉ hưu phải tính toán cân nhắc kỹ lưỡng, phải tính toán đến nhu cầu có việc làm của lực lượng lao động trẻ (trong bối cảnh nước ta giảm biên chế) và nguyện vọng của một bộ phận người lao động lớn tuổi không còn muốn tiếp tục làm việc. Nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là những DN sử dụng nguồn nhân công trực tiếp, không muốn sử dụng lao động lớn tuổi cho những công việc trực tiếp sản xuất. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tìm cách chấm dứt hợp đồng lao động với nhiều công nhân từ 35 -45 tuổi) do độ tuổi càng lớn thì sức khỏe, độ nhanh nhạy, kỹ năng làm việc của người lao động càng giảm, trong khi phải trả lương cao vì thâm niên làm việc.
Tuổi càng cao thì sức khỏe, độ nhanh nhạy, kỹ năng làm việc của người lao động càng giảm
Tổ chức Công đoàn cho rằng tuy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng cao nhưng thực tế sức khỏe của người dân thì chưa tốt. Trung bình một người cao tuổi mắc 3 bệnh và phải chịu gánh nặng bệnh tật kép. Nữ giới sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm , trong khi tính chất công việc, môi trường làm việc, điều kiện an toàn, vệ sinh lao động chậm được cải thiện. Do vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam đồng ý với việc xem xét để tăng tuổi nghỉ hưu theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, tuy nhiên, mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn. Theo đó, cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật.
Đề xuất này của Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận được sự đồng thuận của nhiều bạn đọc của Báo Người Lao Động. Bạn đọc Nguyễn Giang đặt câu hỏi: "Xin hỏi những ai là nữ muốn tăng tuôi nghỉ hưu ạ? Xin thưa rất it. Vây nên các cơ quan soạn thảo luật hãy nghiên cứu và lắng nghe nguyên vọng của người lao động (NLĐ). Nên qui định quyền nghỉ hưu của phụ nữ ở tuổi 55. Những ai có trình độ và năng lực thì ở lại cống hiến". Đồng quan điểm, bạn đọc Ngọc Mai cũng đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu. "Chúng tôi là viên chức nữ tha thiết xin đc nghỉ hưu tuổi 55. Ai là nhà quản lý hoặc có trinh độ cao muốn được cống hiến thì tăng để phù hợp với tình hình hiện nay" – bạn đọc Ngọc Mai, bày tỏ. Bạn đọc Bách Nguyễn thì góp ý: "Yêu cầu giữ nguyên tuổi hưu như cũ, đuối lắm rồi".
tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng cao nhưng thực tế sức khỏe của người dân thì chưa tốt
Theo bạn đọc Tư Cà Phê, lao động trẻ có sức khỏe, có trình độ ... không có việc làm nhiều thì việc tăng tuổi nghỉ hưu của người già thì rất vô lý. Bạn đọc Đăng Nghiêm, bày tỏ chính kiến: "Cách mạng 4.0 đang dần hiện thực. Bây giờ nên bàn việc giảm tuổi hưu, giảm giờ làm, tăng lương cho NLĐ. Thực hiện công bằng xã hội bằng cách ai ai cũng có việc làm, có thu nhập hợp lý. Có như vậy, con người mới có thời gian để thụ hưởng những thành tựu vĩ đại mà cách mạng KHKT đã mang lại cho chúng ta. Nếu bằng ngược lại, Cách mạng 4.0 là vô nghĩa. Nó để làm gì, phục vụ cho ai?".
Bạn đọc có nick name ông Sáu đề xuất: "Đề nghị giữ nguyên như trước nay đi, nói thật 60 tuổi không còn sự năng động, sáng tạo, sức lực đâu mà làm chỉ ngồi đó cho có tụ thôi, nước ngoài họ làm hết chất xám là cho nghỉ ngay. Với lại dân VN mình mỗi ông ông nào cũng mang trong người vài chứng bệnh hết rồi, khám sức khỏe lòi từa lưa hết rồi thì ngồi đó lấy tiền trị bệnh à. Riêng bạn độc Tamtan, đề nghị trong hoàn cảnh của đất nước ta hiện giờ, nên chấm dứt bàn chuyện tăng giờ làm thêm, tăng tuổi nghỉ hưu. Điều cần thiết là phải làm sao tăng năng suất lao động xã hội và nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước.
Bình luận (0)