Tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thống Nhất (TP Biên Hoà), có 124 người nhập viện trong tình trạng nôn mửa, nhức đầu, ói ra máu. Ngoài ra, có 5 phụ nữ đang mang thai cũng phải nhập viện do mất nước và khó thở.
Chị Phạm Thị Linh, nhân viên xưởng may khâu, cho biết mỗi suất cơm gồm có cá biển chiên, canh chua giá, đậu que xào. Khi ăn, nhiều công nhân phát hiện có mùi chua, ôi, cơm đã vón cục giống cơm cũ hấp lại. Khoảng 30 phút sau, hàng trăm công nhân bị đau quặn bụng, nôn mửa tại chỗ. Lúc này nhân viên y tế của công ty đã phát thuốc uống và tổ chức đưa người đi cấp cứu.
Công nhân Trần Thị Bích, xưởng Hoá công, nói trong đau đớn: “Một lúc sau, công ty thông báo trên loa là cơm hỏng không ăn được, đề nghị công nhân đổi sang ăn mì gói. Tuy nhiên, ăn mì vào thì tình trạng ngộ độc càng nặng hơn khi ăn cơm”.
Còn theo công nhân Nguyễn Thủy Hòang, chất lượng cơm của công ty thời gian qua rất tệ. Nhiều lần công nhân phát hiện trong canh có rác, cá ươn, cơm thì lúc đỏ, lúc vàng. Bình quân mỗi suất ăn trước đây là 3.500 đồng, sau nhiều lần công nhân phản ứng, công ty mới nâng lên gần 5.000 đồng/ suất.
Bệnh viện Đa khoa huyện Trảng Bom đang cấp cứu cho công nhân
Đến cuối buổi chiều 20-3, bà Trần Thị Quỳnh Hương - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thống Nhất - cho biết 70/124 công nhân ngộ độc chuyển vào đây đã được về nhà điều trị. Còn lại 54 ca nặng phải truyền dịch tăng thải độc tố, bù nước, điện giải và than hoạt tính để hấp thu độc chất. Ngoài ra, khoa xét nghiệm cũng lấy mẫu xét nghiệm vi sinh để tìm rõ nguyên nhân.
Còn tại bệnh viện Đa khoa huyện Trảng Bom, số lượng công nhân vào cấp cứu ban đầu có khoảng trên 400 người. Nhiều trường hợp bị nhẹ, bệnh viện đã sơ cứu, cấp thuốc cho về nhà điều trị. Ông Hoàng Văn Hoá - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trảng Bom – cho biết hiện bệnh viện đã phân loại được khoảng 240 bệnh nhân nặng phải điều trị tại chỗ.
Tuy nhiên, cho đến 16 giờ, bệnh viện vẫn chưa gặp được người có trách nhiệm của công ty Pousung để phối hợp điều trị cho bệnh nhân. Đến cuối buổi chiều, lãnh đạo Phòng y tế Trảng Bom cho biết chưa có công nhân nào bị nguy hiểm đến tính mạng.
Sau khi xảy ra sự cố, Sở Y tế Đồng Nai, Trung tâm y tế Dự phòng và các ngành chức năng của huyện Trảng Bom đã đến công ty Pousung lấy mẫu thức ăn và mẫu nước để điều tra nguyên nhân gây ngộ độc. Đồng thời yêu cầu công ty sớm ổn định tư tưởng công nhân, chăm sóc người bị nạn và làm tổng vệ sinh khu vực 2 nhà ăn.
Bình luận (0)