Như Báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin, do phản đối một số việc làm chưa đúng của công ty nên ông Hùng không được nâng lương như những người lao động khác.
Bức xúc vì kiến nghị không được giải quyết, ông Hùng đã nhịn ăn. Dù trong những ngày này, ông Hùng vẫn làm việc bình thường nhưng Công ty BP đã thuê máy bay ra giàn khoan “áp tải” ông về đất liền; sau đó đã xử lý kỷ luật sa thải ông Hùng.
Điều đáng nói, trong bản ủy nhiệm của Công ty BP cho ông Mc Intosh, Trưởng Văn phòng điều hành Công ty BP tại VN, không có điều khoản nào cho phép ông này được quyền xử lý kỷ luật và sa thải nhân viên nhưng ông Mc Intosh vẫn chủ trì cuộc họp xử lý kỷ luật và ký quyết định sa thải ông Hùng.
Mặt khác, theo luật sư Hồ Nguyên Lễ, Đoàn Luật sư TPHCM, việc Công ty BP xử lý kỷ luật ông Hùng khi đã hết thời hiệu xử lý là vi phạm pháp luật. Chưa kể, mặc dù công ty không hề quy kết việc ông Hùng nhịn ăn có liên quan đến tài chính, tài sản của Công ty BP nhưng TAND TPHCM lại “nhiệt tình” cáo buộc: “Xét thấy hành vi vi phạm của ông Hùng có liên quan đến tài chính, tài sản của công ty” để mặc nhiên hợp pháp hóa việc vi phạm thời hiệu xử lý kỷ luật người lao động của Công ty BP.
Trên cơ sở đó, tòa đã tuyên bác yêu cầu của ông Hùng về việc buộc Công ty BP phải hủy quyết định sa thải, nhận ông trở lại làm việc và bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần trong thời gian ông bị sa thải trái pháp luật.
Khi xem xét bản án phúc thẩm, nhiều chuyên gia lao động đã phải thốt lên: Có quá nhiều điều vô lý, bất hợp pháp và bất bình thường từ việc xử lý kỷ luật của Công ty BP cũng như trong phán xét của tòa án.
Bình luận (0)