“Sau khi nghỉ việc, anh L. đã liên tục gửi thông tin nói xấu, nhục mạ công ty đến các đối tác, khách hàng. L. cho rằng công ty nợ nần chồng chất, sắp phá sản, khuyên khách hàng chấm dứt làm ăn và thu hồi nợ nếu có… Không những vậy, anh L. còn ghép hình vợ chồng tôi bị đâm bởi một con dao đang rỉ máu rồi tung lên mạng. Chúng tôi đang thu thập chứng cứ để khởi kiện anh L. ra tòa vì hành vi khủng bố, làm nhục người khác và yêu cầu bồi thường thiệt hại cho công ty”. Ông H.H.H, Giám đốc Công ty TNHH H.W (quận 1, TP HCM), cho biết như vậy khi chúng tôi liên hệ tìm hiểu về những vấn đề mà anh N.P.L (ngụ quận 3, TP HCM) khiếu nại.
Làm cho bõ ghét
Theo L. trình bày, Công ty H.W và anh ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) xác định thời hạn 6 tháng kể từ ngày 3-3 với chức danh phó giám đốc phụ trách công nghệ thông tin. Ngày 2-5, tranh chấp giữa L. và công ty khởi phát khi anh đến công ty làm việc nhưng bảo vệ không cho vào và thông báo giám đốc đã cho anh nghỉ việc. Bị mất việc vô cớ và chưa được nhận tiền lương kể từ ngày ký HĐLĐ, anh L. đã nhiều lần trao đổi với ông H. qua điện thoại, email nhưng không đạt kết quả.
L. gửi đơn khiếu nại khắp nơi, đồng thời đăng hình ảnh và những lời lẽ khiếm nhã về công ty và vợ chồng giám đốc lên mạng cùng các phương tiện liên lạc khác. Khi được hỏi về lý do tung thông tin lên mạng, anh không giấu giếm: “Làm vậy cho bõ ghét và để công ty sợ mà trả lương cho tôi”.
Trao đổi với chúng tôi, ông H. cho biết trong quá trình làm việc tại công ty, anh L. đã bộc lộ những yếu kém về năng lực. Những sản phẩm do L. làm ra thường xuyên bị khách hàng và đồng nghiệp phản ứng. Do đó, ông quyết định cho anh nghỉ việc. Ông H. cũng thừa nhận cách chấm dứt HĐLĐ của công ty không tuân theo quy định pháp luật nên dẫn đến tranh chấp.
“Mới đây, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 1 đã tổ chức hòa giải nhưng không thành. Tôi chỉ đồng ý thương lượng khi anh L. nhận lỗi, xin lỗi công khai về những hành động đã gây ra cho công ty và vợ chồng tôi trong thời gian qua nhưng anh L. không chịu” - ông H. cho biết.
Bất hợp tác
HĐLĐ của anh N.Q.H (ngụ tại tỉnh Bình Dương) ký với Công ty TNHH D.P (KCN VSIP 1, Bình Dương) đến tháng 9-2014 mới hết hạn. Ngày 11-2, công ty đột ngột ra quyết định sa thải H. mà không nêu rõ lý do. Trong đơn khiếu nại gửi đến cơ quan chức năng, anh nêu: “Đề nghị các cơ quan chức năng xem xét bảo vệ quyền lợi, hủy toàn bộ quyết định trái luật của công ty…”. Thế nhưng, khi D.P hủy bỏ quyết định sa thải và mời trở lại làm việc thì anh H. lại đòi công ty phải tăng lương gấp đôi và đáp ứng một số yêu cầu.
Bà M.T, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH D.P, cho biết khi phát hiện anh H. dùng địa chỉ email của công ty để làm việc riêng, công ty đã đề nghị H. tự nộp đơn xin thôi việc nhưng anh không đồng ý. Trong lúc trao đổi, H. đã nổi nóng dẫn đến xô xát với nhân viên trong công ty.
Không đồng tình với cách hành xử của H., công ty ra quyết định sa thải anh. Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến của Công đoàn KCN VSIP 1, công ty đã nhận ra sai sót trong quá trình xử lý kỷ luật lao động nên đã thu hồi quyết định sa thải và mời H. trở về làm việc nhưng anh không quay lại. Sau nhiều lần gửi thư mời và anh H. không đến, công ty đã họp xử lý kỷ luật vắng mặt theo luật định.
“Khi phát hiện sai lầm, công ty muốn sửa sai và rất có thiện chí hòa giải. Tuy nhiên, anh H. không những không hợp tác mà còn gửi đơn khiếu nại đến tất cả khách hàng, đối tác của D.P khiến hình ảnh, uy tín của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đây là việc làm khó thông cảm được” - bà M.T cho biết.
Sau khi xem xét hồ sơ vụ việc, luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và cộng sự, nhận định: Ban đầu, Công ty TNHH D.P đã ra quyết định sa thải sai. Tuy nhiên, sự bất hợp tác của anh H. cộng với quy trình xử lý kỷ luật về sau của công ty đúng nên công ty đã chuyển sai thành đúng. Vì vậy, anh H. sẽ khó lòng đòi bồi thường thiệt hại khi kiện ra tòa.
Bình luận (0)