Khu Kinh tế (KKT) Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa hiện có 411 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho gần 97.000 lao động; trong đó có hàng ngàn lao động không phải là người địa phương. Để thích ứng với tình hình dịch Covid-19 hiện nay, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa duy trì sản xuất, vừa chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho người lao động (NLĐ), nhiều DN tại đây đã chủ động thực hiện mô hình "3 tại chỗ".
Chu toàn nơi ăn, chốn ở cho công nhân
Từ tháng 5-2021, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam, Chi nhánh Thanh Hóa (trụ sở tại KKT Nghi Sơn) đã bố trí cho khoảng 70% NLĐ thực hiện "3 tại chỗ" để đối phó với tình hình dịch Covid-19 ngày càng phức tạp. Công ty đã phân NLĐ thành 3 nhóm để có những phương án xử lý rủi ro như: Nhóm nguy cơ cao nhất, nhóm gián tiếp và nhóm nguy cơ thấp. Đối với 2 nhóm đầu, công ty yêu cầu phải thực hiện nghiêm ngặt "3 tại chỗ", nếu về giữa tuần khi quay lại phải có phiếu kết quả test nhanh Covid-19 âm tính. Riêng nhóm có nguy cơ thấp có thể đi về trong ngày nhưng phải bảo đảm kết quả test nhanh âm tính định kỳ 72 giờ.
Công nhân làm việc “3 tại chỗ” tại Công ty CP Bao bì Đại Dương
Cũng thực hiện phương châm "3 tại chỗ" từ giữa tháng 6, Công ty CP Bao bì Đại Dương có hơn 100 công nhân (CN) ăn, ở, làm việc tại công ty. Số CN ở gần công ty được xe đưa đón tận nơi, bảo đảm nguyên tắc "1 cung đường - 2 điểm đến". Hiện công ty đang tạo công ăn việc làm cho gần 900 lao động tại Thanh Hóa và một số tỉnh như Nghệ An và Hà Tĩnh. Nhiều tháng qua, hơn 100 lao động tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh phải nghỉ việc do các tỉnh này đang thực hiện giãn cách để phòng chống dịch Covid-19. Việc "3 tại chỗ" không chỉ giúp bảo đảm công tác phòng chống dịch mà số lượng CN ăn ở tại chỗ có thể tăng ca để bù cho số lao động bị thiếu hụt trên.
Chị Lê Thị Thúy (quê Hà Tĩnh) cho biết từ giữa tháng 6-2021 đến nay chị và gần 100 CN khác đã được công ty bố trí cho ăn ở, làm việc ngay tại công ty. "Công ty tạo điều kiện nơi ăn, chốn ở đầy đủ nên chúng tôi rất an tâm ở lại làm việc. Toàn bộ chi phí ăn uống, sinh hoạt và các đồ dùng cá nhân đều được công ty đài thọ, chúng tôi không phải tiếp xúc với bên ngoài" - chị Thúy bộc bạch.
Không chỉ chị Thúy mà rất nhiều CN ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và cả nhiều huyện xa của tỉnh Thanh Hóa cảm thấy ấm lòng khi được công ty tạo điều kiện "3 tại chỗ", giúp họ vẫn có thể phòng tránh được dịch bệnh, vẫn có thu nhập để gửi tiền về quê lo trang trải cuộc sống cho gia đình. "Tôi đang nuôi con nhỏ nhưng từ lúc dịch diễn biến phức tạp, nhiều tháng cũng chưa về thăm con, thăm gia đình. Thời điểm này dù đi lại khó khăn nhưng chúng tôi luôn ủng hộ cách làm này, không chỉ giảm nguy cơ dịch bệnh mà còn giúp CN chúng tôi an tâm làm việc" - nữ CN Nguyễn Thị Thân nói .
Chung tay vượt khó
Theo LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, đến ngày 14-9, để bảo đảm công tác phòng chống dịch trên địa bàn, đặc biệt là trong các KCN, đã có hàng trăm DN thực hiện phương châm "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 điểm đến". Cụ thể, đã có 59 DN thực hiện "3 tại chỗ", với 4.294 lao động làm việc, ăn, ở tại công ty; có 113 DN thực hiện "1 cung đường - 2 điểm đến", với 103.730 lao động.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng Hành chính - Tổng hợp Chi nhánh Tổng Công ty Dầu Việt Nam tại Thanh Hóa, cho biết cùng với việc duy trì sản xuất kinh doanh, công tác phòng dịch luôn được công ty thực hiện nghiêm ngặt. Đơn vị đã chủ động xây dựng phương án và tuyên truyền đến NLĐ sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Ngay khi có chỉ thị, công ty đã tính toán đến việc tổ chức các khu ngủ, nghỉ cho NLĐ khi thực hiện phương châm "3 tại chỗ". Đến nay, hầu hết NLĐ ủng hộ các chủ trương của công ty.
Cũng theo ông Hùng, thực hiện mô hình "3 tại chỗ" sẽ giúp DN chủ động ứng phó, kích hoạt các phương án khi dịch bệnh xảy ra. Thời gian đầu bắt tay thực hiện, công ty cũng gặp một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng triển khai, đến nay mọi sinh hoạt ăn ở của NLĐ đã đi vào nề nếp, tư tưởng của NLĐ cũng đã ổn định để yên tâm ở lại làm việc.
Ông Hoàng Anh Chung, Phó Phòng Tổ chức Công ty CP Bao bì Đại Dương, cho biết việc tổ chức cho hơn 100 CN thực hiện ăn ở, sản xuất ngay tại chỗ đồng nghĩa với việc công ty phải phát sinh thêm chi phí khoảng 20%. Tuy nhiên, mô hình "3 tại chỗ" là cần thiết lúc này đối với DN, vừa bảo đảm cho cán bộ, nhân viên, NLĐ có thể làm việc liên tục, DN không bị đứt gãy sản xuất.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Võ Mạnh Sơn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, cho biết trước tình hình dịch bệnh trong nước và địa phương còn nhiều khó khăn, LĐLĐ tỉnh đã kịp thời triển khai, hướng dẫn, chỉ đạo các cấp Công đoàn thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch Covid-19; đồng thời thành lập 12 đoàn công tác nắm bắt tình hình chống dịch tại các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các DN có đông CN.
"LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn phối hợp với cơ quan, đơn vị, DN xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch Covid-19 theo mỗi giai đoạn trên cơ sở tuân thủ tuyệt đối chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh. Trong đó có việc lên phương án bố trí lao động nghỉ làm việc luân phiên, làm việc "3 tại chỗ" và thực hiện "1 cung đường - 2 điểm đến" khi có lệnh giãn cách xã hội" - ông Sơn nói.
Bình luận (0)