Trung tá Nguyễn Xuân Quyền (bìa phải) cùng các phụ bếp trên tàu HQ 960 chuẩn bị bữa ăn
Chị bạn tôi ở Báo Sài Gòn Giải Phóng nói đùa: “Không phải không ngon mà là quá ngon anh ạ. Anh cứ nuôi kiểu này, về nhà người quen chắc chẳng nhận ra tụi em”.
Với chuyến hành trình hơn 10 ngày ra Trường Sa cùng 105 khách, vậy mà đến bữa ăn, anh Quyền lại đi khắp các phòng và ghi chép cẩn thận xem các món có hợp khẩu vị khách chưa, cần thêm hoặc bớt gì. Sau bữa ăn, anh lại đi kiểm tra một lượt xem khách dùng có hết không, thấy món nào còn nhiều, anh lại ghé hỏi thăm. “Hạnh phúc của người đầu bếp là nhìn thấy khách ăn ngon, ăn hết món do mình nấu” - anh Quyền tâm sự.
Trung tá Quyền cho biết trước mỗi chuyến đi, anh trực tiếp lên thực đơn cho từng ngày. Cái khó của đầu bếp ở biển là tất cả rau, củ, quả, thịt, cá đều là đồ đông lạnh từ đất liền mang ra nhưng vẫn phải bảo đảm chế biến các món ăn ngon, nóng sốt, đầy đủ dưỡng chất và phải thay đổi thực đơn để không được trùng nhau.
Chuyến ra thăm Trường Sa mới đây có rất nhiều người cao tuổi, người ăn chay. Vậy mà khi tổng kết chuyến đi, ai cũng nhận xét: “Nhà bếp chu đáo và nấu ăn ngon”. Được điều này, anh Quyền đã có sự chuẩn bị rất kỹ. Anh kể: “Mười anh em làm bếp trên tàu HQ 960 đều do chính tôi tuyển chọn từ những người làm bếp giỏi của các tàu khác, vì thế tay nghề rất tốt. Do đoàn có nhiều người lớn tuổi nên món ăn phải ít thịt, nhiều cá và rau. Rồi phải chuẩn bị thêm bánh mì, phở, mì, tôm, chả, cá, giò chay... để phục vụ cho các tăng, ni”.
Thức khuya, dậy sớm
Mỗi ngày, khách trên tàu được phục vụ 4 bữa. Để buổi sáng đúng 6 giờ, khách có thể ngồi bên tô phở thơm lừng hoặc đĩa xôi bốc khói thì bếp trưởng và các anh nuôi khác đã thức từ 3 giờ. Buổi tối, 21 giờ, khách được phục vụ món chè hoặc cháo. Sau khi khách ăn xong, các anh phải dọn rửa, lặt rau, chuẩn bị nguyên liệu cho ngày hôm sau đến thật khuya mới đi ngủ.
“Cường độ làm việc cao nhưng anh em quen rồi. Biển lặng, khách đi tàu đỡ mệt thì anh em phục vụ còn đỡ vất vả chứ hôm nào biển động, đội phục vụ chạy mệt bở hơi tai”- anh Quyền cho biết. Những lúc biển động, khách say sóng không ăn được, các anh phải chuẩn bị thêm cháo trắng, cơm nắm muối vừng... để khách nhanh hồi phục sức khỏe.
Các anh nuôi của tàu cho biết mỗi chuyến tàu phục vụ cho hơn 100 người đến từ các vùng miền khác nhau là điều không hề dễ. Tuy nhiên, kinh nghiệm lâu năm làm bếp cho thấy nếu đoàn đi từ phía Nam thì tăng lượng đường, đoàn phía Bắc thì phải giảm lượng đường. Các đầu bếp trên tàu còn phải cố gắng học hỏi món ăn các miền, cách tẩm ướp gia vị...
Tốt nghiệp Học viện Hậu cần ở Gia Lâm - Hà Nội, anh Quyền về làm việc tại Phòng Hậu cần Lữ đoàn 125 và cũng từng đi phục vụ bếp cho các tàu khi được điều động. Năm 2005, anh chuyển hẳn sang làm bếp và đảm nhiệm vai trò bếp trưởng tàu HQ 960 đến nay. Hiện vợ con anh Quyền đã chuyển từ Hà Nội vào TPHCM sinh sống. “Mỗi khi tàu cập bến, tôi có thể tranh thủ về nhà thăm vợ con rồi lại rong ruổi theo tàu vượt sóng ra khơi” - anh kể.
CHUẨN ĐÔ ĐỐC LÊ MINH THÀNH, PHÓ TƯ LỆNH HẢI QUÂN VIỆT NAM: Phục vụ từ sáng đến khuya Anh em đầu bếp trên tàu rất vất vả khi phải phục vụ từ sáng đến khuya. Những hôm biển đẹp, việc nấu nướng còn thuận lợi. Những ngày biển động, đầu bếp phải một tay nấu, một tay giữ nồi. Vậy mà đến bữa ăn, các anh vẫn phải lo làm sao để có đầy đủ các món nóng sốt, ngon lành. Đó là một sự nỗ lực rất lớn và cũng là tình cảm của anh em dành cho những người con của đất liền trong những chuyến ra thăm đảo. |
Bình luận (0)