Bên nồi bánh rò sôi sùng sục, bà Nguyễn Thị Mai vớt những chiếc bánh còn nóng hổi cho nhanh vào nồi nước lạnh. Đây là công đoạn tráng bánh mà theo bà, nếu không ngâm thì bánh sẽ mất màu xanh và không bảo quản được lâu. Đôi tay bà thoăn thoắt vớt những cặp bánh, đặt chúng ngay ngắn vào nồi chứa đầy nước.
Làm bánh mưu sinh
Trong ngôi nhà của vợ chồng bà (272 Bàu Cát, phường 11, quận Tân Bình - TPHCM), chất đầy những xấp lá chuối còn xanh tươi. Lẫn trong mùi lá là mùi nếp mới, mùi đậu xanh vừa nấu chín thơm lừng. “Công việc làm bánh tuy không cực nhưng cứ loay hoay hết chần lá đến gút nếp, nấu nhân. Cả ngày không rảnh tay” - bà cười nói.
Ông Huỳnh Kiều và bà Nguyễn Thị Mai cùng quê Quảng Nam. Khi vào Sài Gòn, ông bà từng tham gia cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau khi về hưu, vợ chồng bà làm đủ thứ nghề để mưu sinh như dệt, chế biến gỗ, may hàng xuất khẩu. Trong quá trình làm ăn, ông bà bị thua lỗ vì những đơn hàng xuất khẩu sang Nga không thu được đồng nào.
Bà Nguyễn Thị Mai bên những chiếc bánh rò tại nhà
Ông Huỳnh Kiều nhớ lại: “Khi vợ chồng tôi phá sản, nợ nần chồng chất. Chúng tôi bàn nhau phải tìm nghề gì để kiếm sống và nuôi hai con ăn học”. Khi ấy, bà Mai liền nghĩ ngôi nhà vợ chồng bà đang ở nằm cạnh chợ Bà Hoa vốn nổi tiếng với những đặc sản của người miền Trung. Sao không thử làm những món bánh rò truyền thống đem bán.
Ngay sau đó, bà đến chợ tìm mua những chiếc bánh rò về để học cách làm. “Lúc đầu, chúng tôi chỉ kê chiếc bàn nhỏ trước nhà bán bánh thử. Không ngờ, bà con thương tình ủng hộ rất đông. Vợ chồng tôi mừng thầm mua thêm nguyên liệu về làm bánh với số lượng lớn” - bà kể.
Bí quyết bánh rò ngon
Để có những chiếc bánh rò ngon, vợ chồng bà đã phải dày công lựa chọn từ khâu nguyên liệu. Nếp gói bánh phải là nếp mới, thơm ngon. Bà chia sẻ: “Nếp phải được vo sạch cho đến khi nước thật trong. Đó chính là bí quyết để giữ bánh được lâu. Sau đó, nếp được đem ngâm trong nước khoảng vài giờ rồi vớt ra rổ, để ráo. Nếp cần trộn thêm dầu phộng, muối.
Ngay cả nhân bánh, bà cũng chọn loại đậu chắc hạt, ngâm mềm rồi đem đãi sạch vỏ, hấp chín, giã nhuyễn. Để nhân bánh thêm thơm, bà còn cho thêm vào nhân một ít muối, bột nêm, tiêu, hành... Riêng lá dùng để gói bánh phải là lá chuối tươi được chần qua nước sôi, lau sạch. Lá chuối được xé thành những miếng, đặt nhiều lớp chồng lên nhau.
Bánh rò "bà Mai"
Khi gói bánh, bà dùng chén nhỏ múc nếp đổ vào chính giữa lá, thêm nhân đậu rồi đến một chén nếp khác. Khâu buộc dây tưởng chừng đơn giản nhưng cũng cần phải khéo léo. “Nếu buộc lỏng quá, bánh sẽ bị nước vào nhưng buộc chặt quá, hạt nếp sẽ không thể nở và bánh không thể chín đều. Bánh gói xong được cột thành từng cặp, cho vào nồi nước sôi nấu lửa lớn khoảng 8 giờ là chín. Khi nấu bánh, cần phải châm nước thường xuyên để bánh luôn được ngập nước” - bà Mai nhấn mạnh.
Giúp đỡ bà con nghèo
16 năm gắn bó với nghề làm bánh rò đã giúp ông bà có cuộc sống ổn định, trả hết nợ nần và nuôi con cái ăn học thành tài. Cũng từ những chiếc bánh rò, ông bà đã giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Bà Lê Thị Xuân Hằng, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường 11, quận Tân Bình, cho biết: “Không chỉ làm bánh rò ngon mà mỗi khi phường có hoạt động từ thiện, cô Mai đều đi đầu. Mới đây, khi phường phát động phong trào nuôi heo đất ủng hộ người nghèo, cô Mai đã đóng góp 10 triệu đồng, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, ở địa phương mỗi khi có ai ốm đau, cô ấy đều có mặt, giúp đỡ từ vật chất đến tinh thần. Đặc biệt, thời gian qua, vợ chồng cô ấy còn nhận nuôi trọn đời một gia đình không nơi nương tựa”.
Bà Nguyễn Thị Mai cho rằng: “Lúc vợ chồng tôi gặp khó khăn, bà con đã mua ủng hộ từng chiếc bánh rò. Nhờ những chiếc bánh nghĩa tình ấy mà chúng tôi có cuộc sống như hôm nay. Làm sao tôi có thể quên những người đã giúp đỡ mình khi họ gặp khó khăn”. |
Bình luận (0)