Sáng 17-5, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Cán bộ Công đoàn (CĐ) học và làm theo phong cách Hồ Chí Minh". GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, đồng chủ trì tọa đàm.
Trăn trở vì người lao động
Phát biểu tại buổi tọa đàm, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh đây là hoạt động thiết thực, rất có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Suốt 90 năm qua, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam, ánh sáng soi đường cho tổ chức CĐ Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc. CĐ Việt Nam đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của đất nước trong mỗi thời kỳ; luôn gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân (CN) và nhân dân lao động, đồng hành với dân tộc và Đảng.
Buổi tọa đàm “Cán bộ Công đoàn học và làm theo phong cách Hồ Chí Minh”
GS-TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng phải đặc biệt thấm nhuần di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", để quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ các cấp, nhất là chủ tịch CĐ cơ sở trong các doanh nghiệp (DN); lựa chọn cán bộ CĐ là những người phải trưởng thành từ phong trào CNVC-LĐ, từ cấp ủy và các tổ chức đoàn thể; hiểu người lao động (NLĐ), trăn trở vì NLĐ, đi sâu, đi sát với cơ sở và uy tín với DN". "Tổ chức CĐ Việt Nam có sứ mệnh rất cao cả trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. CĐ phải thực sự là tổ chức của NLĐ, do NLĐ và vì NLĐ" - GS Nguyễn Xuân Thắng nói.
Phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đình Khang khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp CN và dân tộc Việt Nam, là một tấm gương mẫu mực về phong cách sống và làm việc. Người đã dành trọn cả cuộc đời mình phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. CĐ là tổ chức của NLĐ, do NLĐ và vì NLĐ. Trong hơn 90 năm qua, Đảng và Bác Hồ là người đặt nền móng, cơ sở lý luận, lãnh đạo, rèn luyện giai cấp CN, tổ chức CĐ Việt Nam không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. "Phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp CN, tổ chức CĐ Việt Nam hơn 90 năm qua đã thực hiện trọng trách của mình, xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp CN dưới sự lãnh đạo của Đảng. CĐ Việt Nam đang từng bước đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả trong việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và NLĐ, góp phần xây dựng tổ chức CĐ ngày càng vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của NLĐ" - ông Nguyễn Đình Khang bày tỏ.
Nhiều mô hình thiết thực
Theo ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM, thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, những năm qua, Đảng đoàn, Ban Thường vụ LĐLĐ TP HCM đã tập trung triển khai trong toàn hệ thống CĐ TP thực hiện các chủ đề năm, học tập chuyên đề, phát động "làm theo" với nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả. "Tiết kiệm - Chủ động - Hợp tác - Chia sẻ", là những chuẩn mực trong tu dưỡng, ứng xử, làm việc được CĐ TP kiên trì thực hiện trong những năm qua.
Về thực hiện các chuẩn mực đạo đức trong tổ chức CĐ TP HCM, ông Trung cho rằng chi phí hành chính và "bệnh hành chính" là một bức xúc trong điều hành hoạt động. Nếu không mạnh dạn thay đổi phương pháp làm việc thì không thể giải quyết bức xúc này. "Chỉ cần ứng dụng một bước công nghệ thông tin trong điều hành, tổ chức các cuộc làm việc nội bộ, hệ thống CĐ TP tiết kiệm hơn 700 triệu đồng/năm. Cũng thông qua đó, thời gian để xử lý văn bản được tiết giảm" - ông Trung nhận định. Tiết kiệm trong chi tiêu, sử dụng nguồn lực của tổ chức CĐ cũng là một vấn đề LĐLĐ TP hết sức quan tâm. Từ thực hiện chức năng bảo vệ cho đến việc chăm lo phúc lợi đoàn viên, thiết nghĩ nếu chuyển từ vai trò "người cung cấp" sang vai trò "cầu nối, liên kết" thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực của tổ chức, vận động được nhiều hơn nguồn lực xã hội và góp phần hình thành những chuỗi giá trị mang tính bền vững, lâu dài. "Một ví dụ nhỏ, với 150 tỉ đồng, chúng tôi có thể tặng cho 1,5 triệu đoàn viên, mỗi người 1 phần quà trị giá 100.000 đồng; song, cũng với 150 tỉ đồng, nếu chúng ta tạo ra một liên kết tài chính - cung ứng tốt thì giá trị thụ hưởng sẽ cao hơn nhiều lần" - ông Trung chia sẻ.
Còn bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho biết toàn tỉnh có trên 45.000 DN, với khoảng 1,2 triệu công nhân, chiếm trên 50% dân số. Với đặc điểm là một địa phương có đông CN xa quê, điều kiện, đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều khó khăn. Thấu hiểu những khó khăn của CN lao động không may bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tai nạn rủi ro vẫn nỗ lực làm việc, vươn lên trong cuộc sống, LĐLĐ tỉnh đã đề xuất xây dựng "Quỹ hỗ trợ CN lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn", xem đây là một trong các giải pháp chăm lo thiết thực nhằm thu hút, tập hợp CN lao động gia nhập và gắn bó với tổ chức CĐ Việt Nam. Quỹ đã được UBND tỉnh ký quyết định thành lập và đủ điều kiện hoạt động từ tháng 1-2020. Bên cạnh nguồn hỗ trợ ban đầu từ tài chính CĐ, quỹ còn nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách địa phương 2 triệu đồng/trường hợp và sự đóng góp ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. "Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng", quỹ ra đời là một trong nhiều hoạt động thiết thực đã được CĐ tỉnh Bình Dương tập trung thực hiện, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên và NLĐ. Nhiều trường hợp CN khó khăn đều rơi nước mắt khi được nhận hỗ trợ, vì quỹ đã chạm đến trái tim họ trong hoàn cảnh cần nhất sự hỗ trợ, sẻ chia" - bà Hạnh nói.
Học Bác để trưởng thành hơn
Ông Trần Đoàn Trung nhìn nhận LĐLĐ TP HCM được thừa hưởng truyền thống năng động, sáng tạo, đi đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP, được thừa nhận trong quá trình dài vừa qua với những phong trào thi đua, chương trình hoạt động, kể cả trong cao điểm chống dịch Covid-19 mới đây. "Sự chủ động không tự nhiên có, không đột xuất đến mà đó là kết quả của quá trình rèn luyện, làm việc liên tục. Đảng đoàn, Ban Thường vụ LĐLĐ TP quán triệt sâu sắc nhận thức: học Bác để ta ngày càng lớn thêm, mạnh mẽ hơn, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao" - ông Trung nói.
Bình luận (0)