xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bậc thầy đúc lư đồng

Bài và ảnh: AN KHÁNH

Đam mê nghề nghiệp và ý chí cầu tiến đã giúp nghệ nhân Trần Văn Thắng thăng hoa, giữ lửa cho làng nghề

Làng đúc lư đồng An Hội (phường 12, quận Gò Vấp, TP HCM) những ngày cuối tháng 10-2013 hết sức nhộn nhịp. Tất bật nhất là vẫn là lò lư đồng của nghệ nhân Trần Văn Thắng (còn gọi là Hai Thắng), khi từng tốp thợ dồn sức làm khuôn và chuẩn bị nguyên liệu sản xuất cho những đơn hàng giáp Tết. Dù tuổi đã cao nhưng ông Thắng vẫn chạy đi, chạy lại đôn đốc thợ làm việc.

Kiên trì học nghề

Làng đúc lư đồng An Hội nổi tiếng một thời nay chi còn vài ba nhà bám trụ với nghề. Gần nửa đời người chứng kiến sự thăng trầm ấy, ông Thắng bộc bạch: “Nghề truyền thống của ông cha truyền lại mà mình không giữ được là có lỗi với tổ tiên. Nghề nào mà chẳng có lúc thịnh, lúc suy, quan trọng là người thợ có dám đeo đuổi đến cùng sự lựa chọn của mình không”.
img

Nghệ nhân Trần Văn Thắng với bộ lư đồng thờ cúng truyền thống

Gia đình ông Thắng 4 đời làm nghề đúc lư đồng. Năm 16 tuổi, được tận mắt chứng kiến đôi tay tài hoa của cha, của bác khi làm khuôn và chạm khắc họa tiết trên những bộ lư đồng, cậu học sinh Thắng như bị mê hoặc và ấp ủ giấc mơ làm chủ một cơ sở đúc lư đồng. Thấy cháu có vẻ thích nghề làm lư đồng, nghệ nhân Trần Văn Kỉnh dạm hỏi: “Con thích học nghề thì bác sẵn sàng truyền lại. Nhưng bác nói trước, phải kiên nhẫn học nghề, không được bỏ ngang thì mới thành tài”.

Nghe người bác ruột hỏi, Thắng như mở cờ trong bụng và gật đầu ngay. Được cha khuyến khích, sau giờ học ở trường, buổi tối Thắng theo học nghề ở nhà người bác ruột. Đặc điểm của nghề đúc lư đồng là mỗi người thợ đảm trách một công đoạn, không ai có thể làm thay. Xuất phát từ mong muốn nắm bắt được kỹ thuật căn bản ở tất cả công đoạn, Thắng rất chịu khó học hỏi kinh nghiệm ở các nghệ nhân. Óc cầu tiến ấy ở Thắng đã thuyết phục nhiều thợ cả và họ sẵn lòng truyền nghề cho cậu.

“Những lần làm không đạt yêu cầu, tôi bị các bậc cha chú la rầy dữ lắm. Có thương và kỳ vọng thì họ mới dạy bảo. Nghĩ vậy nên tôi không cho phép mình nản chí, trái lại còn quyết tâm phải học cho thật giỏi nghề” - ông Thắng kể.

Sáng dạ và luôn khắt khe với bản thân nên Thắng học hỏi rất nhanh. Chỉ trong một thời gian ngắn, cậu đã thuần thục các công đoạn, từ việc nấu đồng, canh lửa, đắp khuôn đến hàn lỗi. Ba năm kể từ ngày “tầm sư học đạo”, Thắng đã gây bất ngờ cho người thân khi quyết định mở lò ra riêng.

Hun đúc đam mê

Ở tuổi 66 với 50 năm kinh nghiệm, ông Thắng được đồng nghiệp đánh giá là bậc thầy trong nghề đúc lư đồng. Tay nghề cao và luôn biết cách giữ chữ tín với khách đã giúp ông gầy dựng uy tín, tên tuổi khắp cả nước.

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người thợ ở cơ sở cho biết họ học hỏi được rất nhiều ở ông Thắng, nhất là thái độ chỉn chu trong nghề. Việc tìm nguồn đất sét để đắp khuôn chẳng hạn, đích thân ông ra tận Bình Dương đặt hàng. Theo ông Thắng, đất sét làm khuôn phải dẽo và mịn, có vậy khi nung mới không bị nứt. Hay việc tuyển chọn nguồn đồng phế liệu, ông luôn đòi người cung cấp phải lọc kỹ trước khi giao hàng, nếu không sẽ không thu vào. Sản phẩm làm không đạt, ông yêu cầu thợ làm lại, đến khi nào được mới thôi...

Hôm chúng tôi ghé thăm, trong cái nóng hầm hập ở lò đúc, ông Thắng vẫn chạy tới, chạy lui quan sát, nhắc nhở thợ. Vớt một ít đồng đã được nung chảy và để nguội, sau một lúc kiểm tra, ông quay sang nhắc: “Sớ đồng chưa nhuyễn do mấy đứa canh lửa chưa chuẩn. Muốn tăng độ bền của sản phẩm, cần phải pha thêm ít chì và loại bỏ hết tạp chất”. Luôn cầu toàn ở tất cả cộng đoạn và đòi hỏi cao ở người thợ là phương châm thành công của ông Thắng.

Không chỉ thuyết phục thợ trẻ, ông Thắng còn được những nghệ nhân khác nể trọng bởi tính chịu khó, học hỏi không ngừng để hoàn thiện mình. Nghe ở đâu có bộ lư đồng cổ, chạm trổ họa tiết lạ là ông tìm đến tận nơi để mục kích, sưu tầm để “làm vốn”. Tinh hoa nghề đúc lư đồng ở các vùng miền được ông hấp thụ, gìn giữ , xem đó là cách lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Chính đam mê ấy mà ông Thắng liên tục cho ra lò những sản phẩm chất lượng, có độ tinh xảo cao mà ít cơ sở khác so sánh được.

“Lư đồng sản xuất công nghiệp thường có màu xanh và xỉn màu sau vài năm sử dụng. Ngoài sự đa dạng về mẫu mã, do được làm thủ công nên lư đồng do lò ông Hai Thắng sản xuất có đường nét chạm trổ tinh xảo và có hồn hơn” - ông Nguyễn Văn Nam, một khách hàng lâu năm, nhận xét.

Thành danh nhưng ông Thắng không giấu nghề, luôn tận tình truyền đạt kinh nghiệm cho thợ trẻ. Niềm vui của ông chính là người con trai út kế nghiệp.

“Gần đây, giá đồng nguyên liệu thất thường, nghề này lại làm thủ công nên phần lớn các lò đều lấy công làm lời, chủ yếu là giữ nghề của ông bà truyền dạy. Có khó khăn đến mấy, tôi và con cháu vẫn quyết tâm bám trụ đến cùng, bởi đó là trách nhiệm với bậc tiền nhân và hậu thế” - ông Thắng bộc bạch.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo