Khẳng định tầm quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Nghị quyết Trung ương 4, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Văn Ngàng đề nghị các cấp CĐ tập trung thực hiện Hướng dẫn số 11 của Ban Tổ chức Trung ương về kiểm điểm, tự phê bình, phê bình. Ngoài tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam lưu ý CĐ các cấp tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, hoạt động chống phá, chia rẽ nội bộ Đảng, phá hoại mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng.
Về kế hoạch tổ chức Đại hội CĐ các cấp, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Đại hội CĐ các cấp phải thực sự là đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, rộng rãi, sôi nổi của đoàn viên, CNVC-LĐ và tổ chức CĐ. Ngoài đánh giá đúng thực trạng tình hình phong trào CNVC-LĐ, Đại hội CĐ các cấp phải rút ra những bài học kinh nghiệm về thành công, phân tích rõ yếu kém và nguyên nhân để xây dựng mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp và các chỉ tiêu phấn đấu cho nhiệm kỳ tới.
Tổng LĐLĐ Việt Nam lưu ý báo cáo trình Đại hội CĐ các cấp phải đánh giá rõ những vấn đề có liên quan trực tiếp đến CNVC-LĐ như việc làm, tiền lương, điều kiện lao động. Tại đại hội, không đọc tham luận, báo cáo thành tích mà cần đi sâu thảo luận mục tiêu, biện pháp cụ thể trong dự thảo báo cáo. Việc đối thoại, chất vấn cần được khuyến khích tại đại hội. Về cơ cấu nhân sự ban chấp hành, bên cạnh bảo đảm tính kế thừa phải ưu tiên lựa chọn cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVC- LĐ.
Để có cơ sở rút kinh nghiệm kịp thời trong quá trình chỉ đạo và hướng dẫn đại hội, mỗi cấp CĐ cần chọn từ 1-2 đơn vị tổ chức đại hội điểm. Đối với CĐ cấp tỉnh và ngành Trung ương, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ chọn 3 đơn vị để tổ chức đại hội điểm. Dự kiến Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ XI sẽ được tổ chức vào đầu quý III/2013.
Bình luận (0)