BHXH Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị chuyên môn trực thuộc tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT; sớm triển khai các khâu kỹ thuật để phát huy hiệu quả việc sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, tối ưu hóa những dịch vụ công về các loại bảo hiểm.
Công khai các chế độ
Ngoài việc triển khai thực hiện tốt nhất, bảo đảm quyền lợi cho người dân, người lao động (NLĐ), BHXH Việt Nam còn yêu cầu chú trọng quyền lợi của bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền của ngành BHXH.
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, năm 2023, ngành BHXH đẩy mạnh giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến, chi trả không dùng tiền mặt; bảo đảm xử lý kịp thời, công khai, đầy đủ, đúng quy định các chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho người dân và NLĐ.
Người dân tỉnh Bình Phước làm các thủ tục đóng BHXH tự nguyện
Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai cải cách thủ tục hành chính với nhiều giải pháp tạo thuận lợi khi giải quyết thủ tục đăng ký tham gia, cấp lại sổ BHXH, thẻ BHYT; đóng, gia hạn thẻ BHYT, BHXH trực tuyến; giải quyết hưởng và chi trả các chế độ cho NLĐ. Đến hết năm 2022, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng Dịch vụ công quốc gia để xác nhận, trả cho gần 50.000 trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp và hơn 50.000 lượt giao dịch gia hạn BHYT theo hộ gia đình thành công.
Ông Nguyễn Thế Mạnh khẳng định 70% hồ sơ công việc toàn ngành BHXH hiện được xử lý trên mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Đến nay, 35% người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, trong đó 25% dùng ứng dụng VssID…
"Mục tiêu là đến năm 2025, 50% người tham gia có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, trong đó 40% người sử dụng VssID. Ngành BHXH đang đẩy mạnh chi trả các dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để phục vụ người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tốt hơn" - ông Mạnh cho hay.
Nhiều tín hiệu tích cực
Theo BHXH Việt Nam, thời gian qua, việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN có nhiều tín hiệu tích cực. Với trách nhiệm bảo đảm an sinh xã hội, ngành BHXH đã thực hiện tốt các nhiệm vụ phục vụ người dân, NLĐ và doanh nghiệp; kịp thời trao tặng 16.288 sổ BHXH, 128.338 thẻ BHYT với tổng giá trị 53,4 tỉ đồng.
Trưởng Ban Quản lý thu - sổ, thẻ - BHXH Việt Nam, ông Dương Văn Hào, cho biết đến hết tháng 1-2023, tổng số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN cả nước là hơn 17,2 triệu (tăng hơn 640.000 người so với cùng thời điểm năm 2022). Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là trên 15,8 triệu (tăng hơn 643.000 người). Ngoài ra, hơn 1,4 triệu người đã tham gia BHXH tự nguyện (tăng 3.300 người); số người tham gia BHYT đạt gần 89 triệu (92,4% dân số).
Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN đến hết tháng 1-2023 đạt 27.392 tỉ đồng (tăng 469 tỉ đồng so với cùng thời điểm năm 2022). Dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023, toàn ngành đã chi trả hơn 51.000 tỉ đồng cho người nhận lương hưu tháng 1 và 2-2023.
"Quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN tiếp tục được bảo đảm với 793.982 người được giải quyết hưởng mới BHXH, 45.445 người hưởng BHTN. Trong tháng 1-2023, hơn 14,15 triệu lượt người đã khám chữa bệnh BHYT, tăng khoảng 4,9 triệu lượt so với cùng kỳ năm trước" - ông Hào thông tin.
BHXH Việt Nam nhấn mạnh năm 2023, ngành sẽ tiếp tục chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng, hoàn thiện các nghị quyết về giao chỉ tiêu phát triển người tham gia các loại bảo hiểm; xây dựng chính sách hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHXH, BHYT… Bên cạnh đó, quyết liệt thực hiện các giải pháp đôn đốc, thu hồi nợ BHXH; thanh tra, kiểm tra đột xuất, thường xuyên các đơn vị để giảm tình trạng nợ đóng kéo dài.
Chính sách BHTN hỗ trợ người lao động vượt khó
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho rằng những năm qua, chính sách BHTN đã khẳng định vai trò trụ cột trong việc bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, nhất là trong dịch COVID-19. Với chính sách BHTN, ngoài việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ còn được hỗ trợ học nghề. Mục đích chính của BHTN là bù đắp một phần thu nhập của NLĐ bị mất việc làm, nhất là hỗ trợ NLĐ thất nghiệp học nghề, tìm việc làm.
Bình luận (0)