“Nè, mấy đứa không có được lên Facebook của ông X., bà Y. bình luận lung tung, like bậy bạ nghe chưa. Chú còn nghe méc nữa là đuổi việc, khỏi có thắc mắc luôn nghen!”.
Đây là những lời ông tổng giám đốc nọ “đe” công nhân (CN) sau khi biết họ đã vào bình luận trên mấy trang mạng xã hội có đăng bài viết “na ná” chuyện của công ty.
Xét giỏ xách, khám người, hù dọa, đe nẹt, gởi thông báo nói xấu CN đến các đối tác, dán ảnh những CN bị cho là chống đối ở nơi công cộng, bắt CN nữ mang bầu phơi nắng và bây giờ cấm cả CN vào mạng xã hội bày tỏ sự bất bình đối với chính sách của công ty… không còn là chuyện cá biệt của công ty A., công ty B. mà nó như bệnh dịch đang lây lan ở nhiều doanh nghiệp.
Trở lại chuyện công ty khám người tìm điện thoại di động xảy ra mới đây mà Báo Người Lao Động đã thông tin, CN cho biết, công ty “có tật giật mình”. Ngay hôm đó, lãnh đạo đã cho người “rà soát” facebook của những “phần tử đáng nghi ngờ” để xem họ nghĩ gì, nói gì và truy tìm xem ai đã cung cấp thông tin cho báo chí.
Sau khi tra vấn mà không ra manh mối, lãnh đạo công ty chỉ còn cách… cấm CN like, bình luận dưới những bài viết “nhạy cảm” như vậy.
“Đó chính là hành vi bạo hành công nhân lao động về tinh thần, đồng thời cho thấy sự bất lực của doanh nghiệp. Họ không thu phục được nhân tâm nên quay ra áp dụng chính sách cấm đoán hà khắc. Đó là thất sách, bởi công ty không thể kiểm soát được mạng xã hội, không thể biết hết nhân viên của mình trên đó. Đặc biệt, trong một cuộc khảo sát gần đây cho thấy đến 90% những người chơi facebook không kết bạn, thậm chí dùng chế độ ngăn chận đối với các cấp quản lý của mình. Có người còn giật status “chơi với sếp như chơi với hổ”- ông Võ Thanh Nghiêm, giám đốc nhân sự Công ty Khải Vinh (quận Bình Tân, TP HCM) nhận xét như vậy.
Khi chúng tôi trao đổi với lãnh đạo một doanh nghiệp đã từng khám xét, dán ảnh, gởi thông tin nói xấu người lao động khắp nơi về suy nghĩ của họ khi làm điều đó thì nhận được câu trả lời: “Bạo hành công nhân à? Làm gì mà ghê vậy? Chúng tôi bỏ tiền ra thuê họ thì chúng tôi có quyền”.
“Thế các ông, bà không nghĩ danh tiếng của công ty sẽ bị mất khi những việc làm như vậy bị loan truyền khắp nơi sao? Còn người lao động nào dám đầu quân cho công ty? Còn đối tác nào dám làm ăn với một công ty ngược đãi, bạo hành công nhân cả tinh thần lẫn thể xác như vậy? Có người tiêu dùng nào muốn sử dụng sản phẩm của một công ty mang tai tiếng?...”.
Trả lời câu hỏi này, vị giám đốc im lặng hồi lâu rồi chép miệng: “Nói thu phục nhân tâm thì dễ nhưng làm thì quá khó vì mình đâu có trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với CN đâu mà biết họ nghĩ gì, muốn gì? Tất cả trông cậy vào mấy anh chị trưởng phòng ban, quản đốc phân xưởng, thậm chí nhân viên kỹ thuật nước ngoài, họ nói sao thì nghe vậy. Giờ không lẽ đuổi hết mấy người đó? Đuổi hết rồi lấy ai làm việc đây? Còn nói là bạo hành công nhân á hả? Đâu có đâu, làm gì mà nâng quan điểm dữ vậy?”.
Rồi vị giám đốc này tâm sự: Bỏ tiền ra lập doanh nghiệp, ai cũng muốn công việc làm ăn phát triển, bảo đảm thu nhập, đời sống cho người lao động chứ không ai muốn công ty sập tiệm. Thế nhưng trong thực tế, có những việc không như ý muốn. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ càng đồn xa hơn. Công ty của ông cũng đang bị đối tác gây khó, cơ quan chức năng dòm ngó, doanh số sụt giảm, CN xin nghỉ việc nhiều…
Thế nhưng vị này vẫn bảo lưu quan điểm: Giám đốc như cha mẹ, CN như con cái. Cha mẹ rầy la, thậm chí đánh chửi con mình thì có gì sai đâu mà bảo là bạo hành công nhân?
Có lẽ cái suy nghĩ “làm cha mẹ người lao động” của ông giám đốc này là “đầu dây, mối nhợ” gây ra nạn bạo hành công nhân lao động trong nhiều doanh nghiệp hiện nay?
Bình luận (0)