Theo BHXH Việt Nam, đến hết tháng 4-2021, số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,12 triệu, tăng 23.400 người so với tháng 3-2021.
Chưa hấp dẫn
BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội của Đảng và nhà nước, do nhà nước tổ chức thực hiện; được nhà nước bảo hộ, hỗ trợ mức đóng, cấp miễn phí thẻ BHYT; không vì lợi nhuận, không bao giờ bị vỡ quỹ và mục đích duy nhất là vì cuộc sống của người dân. Chính sách BHXH tự nguyện ra đời từ năm 2008 nhằm tạo cơ hội cho mọi người lao động (NLĐ) ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH. Sau hơn 10 năm triển khai, đặc biệt là từ nửa cuối năm 2018 đến nay, cùng với định hướng chính trị thực hiện "BHXH toàn dân" được khẳng định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, công tác phát triển BHXH tự nguyện đã có nhiều bứt phá.
Để tăng tính hấp dẫn, chính sách BHXH tự nguyện cần bổ sung thêm quyền lợi cho người tham gia Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tính riêng trong năm 2020, dù xảy ra đại dịch Covid-19 nhưng số người tham gia BHXH tự nguyện trên toàn quốc tăng gần gấp đôi so với năm 2019 (gần 500.000 người), bằng tổng số người vận động được của 11 năm trước đó. Đến hết năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện đã đạt khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức. Một số địa phương thực hiện tốt công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện như: Nghệ An, Thái Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Nam. Mặc dù số người tham gia BHXH tự nguyện những năm qua có sự thay đổi đáng kể song để bảo đảm mạng lưới an sinh cho người cao tuổi thì tỉ lệ này vẫn chưa cao.
Các chuyên gia cho rằng số lượng người tham gia BHXH tự nguyện chưa nhiều một phần do người dân chưa hiểu được hết lợi ích của chính sách, một phần có nguyên nhân từ chính sách và do thu nhập của đối tượng lao động tự do bấp bênh, không bền vững. "Mặc dù BHXH tự nguyện là chính sách nhân văn với mục tiêu giúp người dân, NLĐ trong khu vực phi chính thức không tham gia BHXH bắt buộc khi tham gia BHXH tự nguyện sẽ có lương hưu để ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động. Thế nhưng, mặt bằng thu nhập của nhiều NLĐ tự do còn thấp, trong khi thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu dài là 20 năm nên không hấp dẫn NLĐ" - một chuyên gia nhận định. Nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân được cho là do mức hỗ trợ người tham gia chưa hấp dẫn người dân. Hiện tại, ngân sách nhà nước hỗ trợ 15.400 đồng/tháng tiền đóng BHXH tự nguyện đối với người tham gia không thuộc hộ nghèo và cận nghèo, 38.500 đồng/tháng đối với người thuộc hộ cận nghèo và 46.200 đồng/tháng đối với người thuộc hộ nghèo. Thời gian người tham gia BHXH tự nguyện được nhận hỗ trợ tối đa trong vòng 10 năm từ ngân sách nhà nước.
Nâng mức hỗ trợ
Mỗi năm hệ thống BHXH thu hút khoảng 800.000 người tham gia, song mỗi năm lại có khoảng ngần ấy người ra khỏi hệ thống. Do vậy, theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, BHXH Việt Nam cần nghiên cứu điều chỉnh chính sách để làm sao nâng mức hưởng thụ của người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết Việt Nam được quốc tế đánh giá đang là quốc gia có tỉ lệ thụ hưởng chính sách BHXH tự nguyện cao so với khu vực. Tuy nhiên, xét về mức độ hấp dẫn, việc chỉ quy định thực hiện với 2 chế độ hưu trí và tử tuất với thời gian đóng góp kéo dài dẫn tới việc người dân ngại chờ đợi nên không mặn mà tham gia BHXH tự nguyện. Do đó, ngoài quyền lợi dài hạn, BHXH tự nguyện cần phải có các chế độ ngắn hạn, có thể nhìn thấy trước mắt để thu hút người tham gia. Để tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, mới đây, BHXH Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đề xuất nâng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngoài đề xuất tăng mức hỗ trợ, cần sửa đổi chính sách và cải thiện công tác tổ chức thực hiện nhằm tăng sức hấp dẫn của loại hình an sinh này. Cụ thể, tạo điều kiện về thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm và tiến tới xuống còn 10 năm để được hưởng lương hưu và bổ sung các chế độ BHXH tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt, nhằm tăng tính hấp dẫn, tạo thuận lợi hơn nữa cho người cao tuổi tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm quyền lợi cho người tham gia như: ốm đau, thai sản... trong quá trình đóng. Hiện nay, tại các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố lớn, lực lượng lao động tự do, lao động phi chính thức có số lượng lớn chính là lực lượng mà BHXH tự nguyện hướng đến.
Mức đóng hằng tháng bằng 22% thu nhập
Theo quy định, mức đóng BHXH tự nguyện được tính mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do NLĐ lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng/tháng), cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (hiện nay là 29.800.000 đồng). Người dân có thể lựa chọn một trong các phương thức đóng như: đóng hằng tháng, đóng 3 tháng/lần, đóng 6 tháng/lần, đóng 12 tháng/lần, đóng 1 lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm/lần, đóng 1 lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Bình luận (0)