TS Phạm Trọng Nghĩa (ảnh) bảo vệ thành công Tiến sĩ Luật học tại ÐH Brunel, Vương quốc Anh (2010), Nghiên cứu sinh Sau tiến sĩ tại ÐH Princeton, Hoa Kỳ (2015-2016) và tại ÐH Oxford, Vương quốc Anh (2016-2017) theo Chương trình Nghiên cứu Lãnh đạo toàn cầu; hiện ông công tác tại Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội.
TS Phạm Trọng Nghĩa
Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ông về người lao động (NLĐ) và cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 nhân dịp Xuân mới 2018.
Cách mạng 4.0 là gì?
Mặc dù còn có nhiều quan điểm khác nhau nhưng tựu trung lại, đa số các ý kiến đều nhất trí rằng, nhân loại đã trải qua 3 cuộc CMCN và đang bước vào giai đoạn CMCN lần thứ 4. Nếu như CMCN lần đầu tiên sử dụng năng lượng hơi nước để cơ giới hóa sản xuất thì CMCN lần thứ hai lại sử dụng năng lượng điện để tạo ra sản xuất hàng loạt, CMCN lần thứ ba sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất thì CMCN lần thứ tư (cách mạng 4.0) là sự kết hợp các thành tựu khoa học của 3 lĩnh vực chính gồm: (i) Kỹ thuật số, bao gồm dữ liệu lớn (Big Data), internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI); (ii) Công nghệ sinh học, bao gồm các ứng dụng trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu; và (iii) Lĩnh vực vật lý như Robot thế hệ mới, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions...), công nghệ nano...
Khác với các cuộc CMCN trước đây, cách mạng 4.0 có sự khác biệt rất lớn về tốc độ, phạm vi và hệ thống. Về tốc độ, Cách mạng 4.0 có tốc độ phát triển chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Về phạm vi, cách mạng 4.0, diễn ra không chỉ trên quy mô tất cả các lĩnh vực trong một quốc gia, khu vực mà cuộc cách mạng này còn diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Về tính hệ thống, cách mạng 4.0 làm thay đổi toàn bộ không chỉ hệ thống sản xuất của một doanh nghiệp, một lĩnh vực mà còn tác động mạnh đến hệ thống quản lý của một quốc gia cũng như hệ thống quản trị toàn cầu.
Cách mạng 4.0 tác động đến NLĐ như thế nào?
Giống như các cuộc CMCN trước đó, cách mạng 4.0 có tiềm năng đem lại nhiều lợi ích cho người lao động thông qua việc: (i) tăng năng suất lao động từ đó tăng mức thu nhập; (ii) cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua những sản phẩm giải trí và dịch vụ mới; và (iii) mở cửa thị trường lao động thông qua việc cắt giảm chi phí đi lại, vận chuyển và tạo ra những việc làm mới.
Ví dụ như, Cách mạng 4.0 tạo ra điều kiện cho NLĐ được tự do đi tìm việc. NLĐ có nhiều sự lựa chọn hơn trong công việc; phạm vi làm việc không bó hẹp trong một quốc gia mà có thể di chuyển sang quốc gia khác hoặc làm việc cho người sử dụng lao động ở quốc gia khác. Thực tế cho thấy, nếu Trung Quốc được coi là công xưởng của thế giới thì Ấn Độ được đánh giá là văn phòng của thế giới - rất NLĐ Ấn Độ làm việc cho các công ty có trụ sở ở Châu Âu, Bắc Mỹ thông qua các call-centres đặt tại Ấn Độ.
Ngoài nguy cơ bị mất việc làm tại chỗ do máy móc thay thế, NLĐ còn phải đối mặt với nguy cơ bị mất việc làm do công việc bị chuyển về nước có thị trường nơi mà cách mạng 4.0 đã làm giảm chi phí lao động tại thị trường đó
Ngược lại, cách mạng 4.0 cũng giúp cho việc được tự do đi tìm người. Việc cắt giảm chi phí đi lại, chi phí lưu thông giúp cho các nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh, được tự do lựa chọn địa điểm đầu tư ở nước này hoặc nước khác, nơi này hoặc nơi khác. Đầu tư để sản xuất kinh doanh có nghĩa là sẽ tạo ra việc làm, hay nói cách khác, việc làm gắn liền với vốn đầu tư. Như vậy có nghĩa là, khi vốn đầu tư có thể chuyển từ chỗ này qua chỗ khác thì việc làm có thể được đưa từ chỗ này qua chỗ khác. Vậy là từ chỗ người phải đi tìm việc, thì nay, việc cũng có thể đi tìm người.
Bên cạnh những lợi ích nêu trên, cách mạng 4.0 cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với NLĐ như: (i) bị mất việc làm do bị thay thế bằng máy móc; (ii) không được bảo vệ quyền lợi do có sự thay đổi về bản chất của quan hệ lao động do ứng dụng công nghệ mới; và (iii) bị phân biệt đối xử bất bình đẳng trong xã hội giữa lao động có kỹ năng cao và lao động có kỹ năng thấp, giữa ông chủ sở hữu máy móc và NLĐ
Về nguy cơ mất việc làm, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hơn 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi sự bùng nổ nhanh chóng của ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành này. Khoảng 86% lao động của Việt Nam, 88% lao động của Campuchia và 64% lao động của Indonesia trong ngành may mặc, da giày sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng tự động hóa, công nghiệp hóa. Ngoài nguy cơ bị mất việc làm tại chỗ do máy móc thay thế, NLĐ còn phải đối mặt với nguy cơ bị mất việc làm do công việc bị chuyển về nước có thị trường nơi mà Cách mạng 4.0 đã làm giảm chi phí lao động tại thị trường đó.
Liên quan đến sự bất bình đẳng, cách mạng 4.0 sẽ đem lại lợi ích kinh tế nhiều nhất cho những người phát minh, nhà đầu tư chứ không phải là người lao động thông thường, dẫn đến gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Thực tiễn cho thấy, ở nhiều nước phát triển, thu nhập thực tế của giới chủ, của lao động có chuyên môn cao thì liên tục tăng, trong khi đó, thu nhập thực tế của công nhân lao động có trình độ và kỹ năng thấp thì lại giảm. Với tỉ lệ lao động chưa qua đào tạo hoặc đã qua đào tạo nhưng kỹ năng còn thấp vẫn còn chiếm đa số, lực lượng lao động của Việt Nam cần được chuẩn bị để phòng ngừa, giảm và hạn chế các tác động tiêu cực từ cách mạng 4.0.
Vì chúng ta đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng 4.0, do đó, khó có thể khẳng định được những ảnh hưởng của cuộc cách mạng này đối với NLĐ sẽ thiên theo chiều hướng nào, tích cực hay tiêu cực. Tuy nhiên, lịch sử 3 cuộc CMCN đã qua cho phép dự đoán rằng, sự tác động của cách mạng 4.0 đến NLĐ sẽ là sự kết hợp, đan xen của các tác động tích cực cũng như tác động tiêu cực. Ví dụ như nhiều việc làm mới được tạo ra cho NLĐ thông qua công nghệ như lái xe Uber, Grab; tuy nhiên, hiện nay, đa số các quốc gia không công nhận quan hệ giữa những lái xe và công ty Uber, Grab là quan hệ lao động mà chỉ coi đây là quan hệ dân sự. Vì lý do đó, mặc dù có việc làm mới và có thu nhập nhưng những lái xe này không được bảo đảm nhiều quyền lợi so với người lao động theo hợp đồng lao động (chế độ bảo hiểm, tai nạn lao động, chế độ nghỉ ngơi...).
Bảo vệ NLĐ trong cách mạng 4.0 ra sao?
Nhà nước đóng vai trò quyết định, phải thông qua các công cụ của mình, nhất là công cụ pháp luật lao động để phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của cách mạng 4.0 đối với NLĐ. Cụ thể như sau:
Tổ chức Công đoàn Việt Nam cần có sự chuẩn bị đầy đủ hơn nữa để thực hiện tốt chức năng đại diện và bảo vệ người lao động
- Thứ nhất, cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng trên phạm vi toàn cầu đòi hỏi phải có giải pháp ở phạm vi toàn cầu để khắc phục những mặt tiêu cực của cuộc cách mạng này. Do đó, Việt Nam cần tham gia sâu và rộng hơn nữa vào hệ thống pháp luật lao động quốc tế, thông qua việc gia nhập, phê chuẩn thêm công ước quốc tế và khu vực về lao động; tăng cường ảnh hưởng của Việt Nam đến quá trình xây dựng pháp luật lao động quốc tế; nghiên cứu để đề xuất xây dựng và tiến tới dự thảo Công ước lao động quốc tế từ thực tiễn của Việt Nam.
- Thứ hai, liên tục rà soát, đánh giá toàn diện hệ thống pháp luật lao động cả trên phương diện kỹ thuật lập pháp cũng như trong khâu tổ chức thực hiện. Trong đó, có tính đến việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của pháp luật lao động, đáp ứng sự thay đổi của bản chất quan hệ lao động trong bối cảnh cách mạng 4.0.
- Thứ ba, nghiên cứu dự báo chính xác xu hướng vận động và phát triển của thị trường lao động ở Việt Nam trong tương lai. Nghiên cứu xây dựng một chiến lược phát triển nguồn nhân lực.Trong đó, có các chỉ tiêu dự báo và kế hoạch về: Số lượng, chất lượng (sức khỏe, trình độ chuyên môn, kỹ năng, kỷ luật lao động, tính sáng tạo và năng động trong công việc...) đáp ứng yêu cầu của cách mạng 4.0.
Tổ chức Công đoàn (CĐ) Việt Nam cần có sự chuẩn bị đầy đủ hơn nữa để thực hiện tốt chức năng Hiến định của mình là ðại diện và bảo vệ NLĐ thông qua nhiều hoạt động cụ thể. Trong đó, có xây dựng chính sách, pháp luật, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các tổ chức CĐ thế giới, hướng về cơ sở để phát huy vai trò và vị thế của công đoàn cơ sở.
NLĐ cần có cách tiếp cận chủ động đối với cách mạng 4.0, phải nhìn nhận cách mạng 4.0 là cơ hội thay vì thách thức, không ngừng cập nhật và nâng cao năng lực và kỹ năng làm việc để từng bước làm bạn với công nghệ, máy móc mới tiến đến làm chủ công nghệ, máy móc mới.
Tóm lại, bên cạnh những tác động tích cực đem lại cơ hội tốt, cách mạng 4.0 cũng có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến NLĐ. Trong bối cảnh như vậy, việc xây dựng, hoàn thiện và đảm bảo thực thi các quy định pháp luật về lao động để phát huy thế mạnh về lao động của Việt Nam đóng vai trò quan trọng. Chúng tôi cho rằng, một hệ thống pháp luật lao động tiến bộ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo vệ và phát triển nguồn nhân lực - tài sản quý nhất của quốc gia. Một hệ thống pháp luật lao động phù hợp với các yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa là điều kiện cần thiết để tận dụng thời cơ, phát huy thế mạnh của lực lượng lao động nước ta, góp phần quan trọng vào việc đưa nước ta từ một cường quốc về lao động trở thành một cường quốc về kinh tế trong tương lai.
Bình luận (0)