Thời gian gần đây, Báo Người Lao Động (NLĐ) nhận được khá nhiều đơn thư của NLĐ đang làm việc tại các công ty dịch vụ bảo vệ trên địa bàn TP HCM, khiếu nại về việc bị vi phạm quyền lợi. Điều đáng nói là những vi phạm ấy, NLĐ đã biết rõ ngay từ đầu nhưng chỉ đến khi nghỉ việc họ mới chịu thông tin đến cơ quan chức năng.
Biết sai nhưng… ráng chịu
Giải thích cho việc chấp nhận để doanh nghiệp (DN) vi phạm quyền lợi trong thời gian dài, đa phần NLĐ lấy lý do “sợ mất việc” để biện minh. Đơn cử như trường hợp anh Lê Văn Khanh, nhân viên Công ty Bảo vệ L.V (quận Tân Bình). Khi mới vào làm việc, anh phải chi 600.000 đồng mua đồng phục nhưng chỉ được nhận đồng phục cũ. Bên cạnh đó, mỗi ngày anh phải làm việc 12 giờ nhưng không được tính tiền làm thêm. Tiền lương đi làm thứ bảy, chủ nhật được tính như ngày thường nhưng nếu có việc phải nghỉ làm vào ngày này thì bị trừ lương gấp đôi.
Không những vậy, công ty còn buộc NLĐ phải ký quỹ “gắn bó” mỗi tháng 100.000 đồng trong 6 tháng liên tục, trừ trực tiếp vào lương. Số tiền này chỉ được nhận lại sau khi NLĐ “gắn bó” với công ty từ 1 năm trở lên. “Tôi làm việc được 5 tháng thì nghỉ nên mất trắng khoản tiền này. Suốt thời gian làm việc tại đây, tôi không hề được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), đóng các khoản bảo hiểm” - anh Khanh bức xúc.
Còn Công ty Bảo vệ T.T (quận Bình Thạnh) thì buộc nhân viên ký cam kết quá thời hạn 30 ngày, nếu không nộp đủ hồ sơ cá nhân sẽ bị trừ lương 100.000 đồng/tháng. Công ty không ký HĐLĐ với NLĐ nhưng lại quy định nếu muốn nghỉ việc NLĐ phải báo trước 30 ngày. Trường hợp nghỉ quá 3 ngày không xin phép sẽ bị sa thải và không được nhận bất kỳ khoản lương nào; NLĐ nghỉ việc sau 5 ngày làm việc sẽ bị trừ 300.000 đồng phí đào tạo và hao mòn đồng phục… Dù biết rõ những quy định trên là trái pháp luật, song chỉ đến khi nghỉ việc, anh Nguyễn Thành mới dám làm đơn tố cáo.
Mất trắng quyền lợi
Những năm gần đây, loại hình kinh doanh dịch vụ bảo vệ phát triển khá rầm rộ. Chính vì nhu cầu lớn, tiêu chuẩn tuyển chọn đơn giản nên thu hút nhiều NLĐ đầu quân. Về phía NLĐ, vì muốn có việc làm nên bỏ qua các bước tìm hiểu kỹ thông tin về DN. Không ít NLĐ sau khi bị xâm phạm quyền lợi cũng không biết đến đâu để đòi vì không rõ địa chỉ, tên giám đốc công ty là gì… Trường hợp anh Trần Duy Bình (quận Thủ Đức) là một ví dụ: Cuối năm 2014, anh được ông Nam, tự xưng là phó giám đốc Công ty Dịch vụ bảo vệ N.T.T, nhận vào làm bảo vệ tại mục tiêu là Công ty T.N (quận 9). Sau gần 1 năm làm việc nhưng không được ký HĐLĐ, tham gia BHXH, anh xin nghỉ việc nhưng không được trả lương tháng 11-2015. Tìm ông Nam để đòi thì ông cho biết đã nghỉ việc, yêu cầu anh liên hệ trực tiếp với giám đốc công ty. “Lúc này, tôi mới biết công ty đăng ký địa chỉ tận TP Đà Lạt. Khi tôi gọi điện cho giám đốc đòi lương thì giám đốc bảo không biết tôi là ai” - anh Bình ngao ngán.
Anh Nguyễn Khắc Quý (quận Phú Nhuận) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Tháng 11-2015, anh được ông Huệ, đội trưởng bảo vệ Công ty Bảo vệ C.L (quận 9), nhận vào làm và bố trí bảo vệ một quán cà phê ở quận Tân Bình. Tiền lương hằng tháng, anh Quý đều nhận thông qua ông Huệ. Tháng 1-2016, do quán cắt hợp đồng với công ty nên anh phải nghỉ việc. Thế nhưng còn hơn 3 triệu đồng tiền lương của anh công ty không trả. Khi anh đòi, ông Huệ yêu cầu liên hệ trực tiếp với ông T.V.B, giám đốc công ty. Nhưng khi gặp giám đốc thì ông này trả lời tỉnh bơ: “Tiền đâu mà đòi, tiền đâu mà trả?”. Khi chúng tôi liên hệ với ông B. để tìm hiểu sự việc thì ông phủ nhận mình là giám đốc và nói không biết anh Quý là ai!
Không nên thỏa hiệp
Theo một cán bộ cơ quan BHXH TP HCM, hiện nay, nhiều công ty dịch vụ bảo vệ trốn đóng BHXH hoặc sử dụng số lượng lớn lao động nhưng chỉ đóng tượng trưng cho một số người. Khi kiểm tra, cơ quan BHXH cũng khó chứng minh được vi phạm vì các DN này đăng ký sử dụng lao động rất ít, chủ yếu làm việc tại các mục tiêu chứ không phải tại trụ sở công ty. “Tốt hơn hết là NLĐ phải tự ý thức được quyền lợi của mình, cương quyết đấu tranh và không thỏa hiệp với các hành vi vi phạm của DN, có như thế mới có thể bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình” - vị cán bộ BHXH khuyên.
Bình luận (0)