Chiều 25-9, Đại hội XII Công đoàn (CĐ) Việt Nam sẽ biểu quyết danh sách nhân sự giới thiệu bầu Ban Chấp hành (BCH) Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII, bầu BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII; thảo luận về nhân sự tại các đoàn đại biểu; Hội nghị lần thứ nhất BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII; Hội nghị lần thứ nhất Ủy ban kiểm tra Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII (ngay sau khi kết thúc Hội nghị lần thứ nhất BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII)…
Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XI), trình bày tại Đại hội XII Công đoàn (CĐ) Việt Nam XII Đề án: "Nhân sự Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN Khóa XII, nhiệm kỳ 2018-2023".
Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam
Về tình hình BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI: BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI có số lượng 175 đồng chí, theo cơ cấu đã được phê duyệt gồm: Cơ quan Tổng LĐLĐ Việt Nam 24 ủy viên (13,72%); CĐ ngành Trung ương, CĐ Tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam 20 ủy viên (11,43%); LĐLĐ tỉnh, thành phố 65 ủy viên (37,14%); CĐ cấp trên cơ sở 23 ủy viên (13,14%); CĐ cơ sở 21 ủy viên (12%); Công nhân trực tiếp sản xuất 7 ủy viên (4%); Cơ quan Nhà nước, đoàn thể Trung ương; cán bộ khoa học, cán bộ quản lý 15 ủy viên (8,57%).
BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI có cơ cấu và số lượng hợp lý đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo phong trào công nhân, hoạt động CĐ cả nước trong nhiệm kỳ qua. BCH hoạt động theo đúng Quy chế và Điều lệ CĐ Việt Nam; đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, đồng thời phát huy trách nhiệm, vị thế của từng ủy viên ban chấp hành ở mỗi lĩnh vực công tác trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công, đã lãnh đạo các cấp công đoàn thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XI CĐ Việt Nam, cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, quá trình hoạt động, BCH Tổng LĐLĐ khóa XI bộc lộ một số hạn chế bất cập như: Cơ cấu ủy viên là cán bộ CĐ không chuyên trách chiếm tỷ lệ tương đối cao (25,2%); số lượng ủy viên BCH thay đổi trong nhiệm kỳ khá lớn (xấp xỉ 62%)… dẫn đến một số khó khăn trong quá trình chỉ đạo điều hành của BCH
BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII, nhiệm kỳ 2018-2023:
Về yêu cầu: Xây dựng BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong tình hình mới và đảm bảo việc tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XII CĐ Việt Nam.
BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 có số lượng, cơ cấu hợp lý, đảm bảo về tiêu chuẩn, chất lượng, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng là chính. Những nơi cần cơ cấu ủy viên BCH, nhưng không lựa chọn được người có đủ tiêu chuẩn, chất lượng thì không gò ép giới thiệu người tham gia ban chấp hành.
Cơ cấu BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII phải kế thừa những yếu tố hợp lý trong cơ cấu BCH khóa XI, có sự điều chỉnh, bổ sung, đổi mới theo hướng phát triển phù hợp với tình hình mới; đảm bảo đại diện công đoàn các cấp, các thành phần kinh tế, theo ngành nghề, địa phương, lĩnh vực; kết hợp hài hòa giữa 3 độ tuổi, đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ theo quy định. Công tác chuẩn bị nhân sự phải đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy trình, quy định của Đảng, Điều lệ CĐ Việt Nam và hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Về tiêu chuẩn: Người được giới thiệu tham gia BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 phải đảm bảo tiêu chuẩn chung của cán bộ quy định trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-52018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4.8.2017 của Ban Chấp hành Trung ương về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Đồng thời, nhấn mạnh các tiêu chuẩn sau: Có bản lĩnh chính trị vững vàng; nhiệt tình, tâm huyết với sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn; năng động, sáng tạo, có tư duy đổi mới, trưởng thành từ thực tiễn; có tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có uy tín, có phương pháp hoạt động và khả năng đoàn kết, tập hợp quần chúng; có tinh thần đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Có năng lực tham gia xây dựng và cụ thể hóa, tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào công tác CĐ; có kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, có kiến thức về quản lý kinh tế, xã hội, pháp luật; có kỹ năng hoạt động và nghiệp vụ công tác; có khả năng tham gia quyết định các chủ trương công tác của ban chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Có tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ; có đạo đức, lối sống lành mạnh, trung thực, giản dị; có tinh thần đấu tranh chống tham nhũng và lãng phí; không cục bộ bản vị, cơ hội; không lãng phí, tham nhũng và bao che cho tham nhũng.
Không cơ cấu vào Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam những cá nhân mà bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, làm ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan, đơn vị và bản thân cán bộ; cán bộ vi phạm quy định về tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm.
Về điều kiện: Người tham gia Ban chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam phải có lý lịch rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn chính trị theo quy định số 126-QĐ/TW ngày 28-2-2018 của Trung ương; đủ sức khoẻ và có điều kiện tham gia các hoạt động của BCH. Được cơ quan, đơn vị nơi làm việc tín nhiệm, giới thiệu.
Người tham gia Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam nói chung cần có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; trình độ chính trị từ cao cấp lý luận chính trị trở lên. Đối với cán bộ công đoàn cơ sở cần có trình độ đại học trở lên, trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; công nhân trực tiếp sản xuất cần có trình độ văn hoá trung học phổ thông, tay nghề bậc 3 trở lên theo đặc thù nghề thợ.
Cán bộ CĐ chuyên trách tham gia Ban Chấp hành lần đầu phải đảm bảo đủ tuổi công tác ít nhất một nhiệm kỳ đại hội CĐ (nam sinh từ tháng 9 năm 1963, nữ sinh từ tháng 9 năm 1968); Người tái cử phải có đủ thời gian công tác ít nhất phải đủ 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên (nam sinh từ tháng 3.1961, nữ sinh từ tháng 3.1966); Cán bộ CĐ không chuyên trách tham gia BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam nói chung không quá 2 nhiệm kỳ liên tục.
Người bị kỷ luật từ khiển trách trở lên thì không được giới thiệu tham gia BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 trong thời gian ít nhất 1 năm kể từ khi có quyết định kỷ luật.
Về số lượng: BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khoá XI dự kiến số lượng BCH khóa XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 gồm 175 uỷ viên, giữ nguyên so với nhiệm kỳ Đại hội XI. Tại đại hội sẽ bầu 166 ủy viên Ban Chấp hành, số còn lại sẽ bổ sung trong nhiệm kỳ Đại hội XII CĐ việt Nam.
Về cơ cấu: Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khoá XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 phải đảm bảo đại diện các cấp của tổ chức CĐ, tăng cường sự chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn của Tổng Liên đoàn; có tỷ lệ hợp lý giữa ba độ tuổi phấn đấu dưới 40 tuổi từ 5% đến 10%; từ 40 đến dưới 50 tuổi từ 45% đến 50%; còn lại là trên 50 tuổi trở lên; phấn đấu tỷ lệ ủy viên Ban chấp hành là nữ đạt từ 20% đến 30%; ủy viên ban chấp hành là người ngoài Đảng từ 2-5%; ủy viên ban chấp hành là công nhân lao động trực tiếp sản xuất từ 2-5%.
Sau khi trình bày Đề án Nhân sự Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII, nhiệm kỳ 2018 – 2023, ông Bùi Văn Cường xin ý kiến đại hội. Trong đó, 100% đại biểu dự đại hội đã nhất trí thông qua Đề án nhân sự BCH khóa XII.
Ông Bùi Văn Cường xin ý kiến đại biểu tại đại hội. Theo đó 100% đại biểu đã nhất trí số lượng Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII, nhiệm kỳ 2018-2023, là 175 ủy viên; tại đại hội sẽ bầu 166 ủy viên, khuyết 9 ủy viên, sẽ kiện toàn sau, trong nhiệm kỳ.
Bình luận (0)