25% lực lượng lao động hiện nay ở Việt Nam nằm trong nhóm lao động yếu thế, rất dễ bị tổn thương hoặc có thể nhanh chóng rơi vào tổn thương khi đứng trước các biến động kinh tế - xã hội. Đây là thực trạng đáng lo ngại do Viện Công nhân - Công đoàn đặt ra tại hội thảo khoa học về bảo đảm sinh kế bền vững cho nhóm lao động yếu thế ở Việt Nam giai đoạn 2015-2030 và những năm tiếp theo tổ chức ngày 31-7 ở TP HCM.
Thiệt thòi lao động di cư
Nhóm lao động yếu thế gồm: người lao động nghèo thuần túy, lao động di cư, lao động trẻ em, người khuyết tật, dân tộc ít người, người tái hòa nhập cộng đồng và một số nhóm nhỏ khác. PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, đánh giá: "25% là tỉ lệ không hề nhỏ. Nếu không tìm được các giải pháp sinh kế bền vững, không giảm được số lượng này thì một hệ lụy rõ ràng nhất là nền kinh tế và xã hội không bền vững, nếu không nói là cũng sẽ dễ rơi vào tổn thương".
Lao động lớn tuổi, lực lượng tiềm năng của lao động yếu thế Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo ThS Vũ Văn Hiệu (Trường Đại học Tôn Đức Thắng), tại các đô thị lớn, nhóm yếu thế dễ nhận ra nhất là lao động di cư vào thành phố làm việc. Mỗi biến động dù nhỏ hay lớn đều có thể gây ra những thương tổn như: bị chấm dứt hợp đồng, bị xâm hại quyền lợi về BHXH; tăng giá thuê phòng trọ, điện nước sinh hoạt; bị dụ dỗ, lừa đảo… "Đa dạng hóa và xã hội hóa các hình thức cung cấp dịch vụ xã hội công lập, cải tiến chính sách hộ khẩu, đẩy mạnh truyền thông, xây dựng dữ liệu về mạng lưới xã hội cần được TP đẩy mạnh thực hiện để hỗ trợ tối đa nhóm yếu thế này" - ông Hiệu đề xuất.
Bất cập lao động khuyết tật
Trong khi đó, với nhóm lao động là người khuyết tật, dù luật và chính sách có quy định đầy đủ nhưng theo nhiều chuyên gia, trong thực tiễn vẫn vô cùng khó khăn. ThS Lê Thị Nhung (Trường Đại học Lao động Xã hội) cho biết hiện nay, có rất nhiều khoảng trống từ dạy nghề cho tới giải quyết việc làm khiến người khuyết tật khó tham gia, hòa nhập thị trường lao động. "Ngay cả khu vực lao động chính thức đã gặp thiệt thòi thì khu vực phi chính thức hầu như không có áp dụng đáng kể nào trong việc hỗ trợ người khuyết tật" - bà Nhung nhận xét.
Trong khi đó, bà Trần Thị Thanh Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Dạy nghề và Tạo việc làm cho người khuyết tật TP HCM, cho rằng Luật Dạy nghề còn đề cập quá ít với nhóm này. Chương trình học nghề vẫn phải lấy bộ khung từ chương trình cho người bình thường chứ chưa có chương trình đặc thù.
Ngay cả khi doanh nghiệp nhận người lao động khuyết tật vào làm việc nhưng lại không có phương tiện hỗ trợ thì xem như người khuyết tật vẫn phải làm việc trong điều kiện như người bình thường. Họ không theo nổi nên rốt cục vẫn chưa thật sự xóa được các rào cản với nhóm này.
Lo lắng lao động trung niên bị sa thải
Một thực tế khác được ông Ngô Văn Huấn, Học viện Cán bộ TP HCM, đặt ra. Đó là tình trạng sa thải người lao động ở độ tuổi trung niên (khoảng 40 tuổi) đang tạo ra một lớp lao động tiềm năng bị tổn thương. "Dân số chưa già nhưng lao động đã già. Ở tuổi này, mặc dù vẫn còn nguyên vẹn nhưng khi bị sa thải thì họ sẽ có thể rơi vào tổn thương vì khả năng hòa nhập, tái đào tạo lại khá thấp. Đào tạo lại như thế nào? Ai lo hay phải tự xoay xở là cả một vấn đề lớn cần tính trước về thực trạng này" - ông Huấn đặt vấn đề.
Theo ông Vũ Quang Thọ, đây là một thực trạng rất đáng lo ngại khi số người bước ra khỏi sản xuất ở độ tuổi này dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng thêm, với quy mô lớn, có thể làm tan vỡ từng mảng của thị trường lao động.
"Thống kê giai đoạn 2015-2016 có khoảng 1,2 triệu người bước ra khỏi dây chuyền sản xuất theo diện này. Tất nhiên vẫn có nhiều người tự vận động để tìm việc mới nhưng con số chung vẫn rất đáng lo. Nhiều vấn đề hiện nay thực chất là chúng ta đang giẫm lại quá trình nhiều nước đã trải qua hàng chục năm trước. Lẽ ra, là người đi sau, chúng ta đã có thể học hỏi, tránh được" - ông Thọ đánh giá.
Khó khăn lao động nông thôn
Một đối tượng yếu thế khác là nông dân. Ông Võ Văn Tấn - Phó Chủ tịch UBND xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TP HCM - băn khoăn: "Với lao động nông thôn, việc làm tại chỗ là rất quan trọng vì họ không thể di chuyển xa. Nhưng sản phẩm tạo ra khó tiêu thụ nên không ai dám làm, vay vốn thì cũng không có mà trả. Người có trình độ thì đi hết; còn lại là phụ nữ, trẻ em là nhóm yếu thế, không đi được nên rất khó khăn, lại thiếu khả năng ứng dụng công nghệ nên càng bế tắc. Lao động nông thôn thì trông chờ vào nuôi trồng mà sản xuất công nghiệp xả thải gây ô nhiễm thì sao mà sản xuất? Đã yếu thế lại càng bấp bênh".
Bình luận (0)