Công bằng mà nói, không phải chủ nhà muốn trễ mà vì chính quan khách không đến đúng giờ. Đặc biệt, những khách VIP thường hay đến trễ vì “bận trăm công ngàn việc”. Thế nhưng, vì sự có mặt của họ góp phần cho các buổi lễ lạt, hội hè “thêm phần long trọng” nên có khi mấy trăm người phải chờ một người. Một người bạn của tôi gọi tình trạng đi trễ, bắt người khác phải chờ đợi mình là hành vi phản văn hóa!
Nói không quá, cái chuyện đi trễ đã trở thành căn bệnh trầm kha của xã hội này. Đi tiệc tùng, liên hoan cũng trễ; đi hội họp, hội nghị cũng trễ; đi làm việc cũng trễ. Điều này phản ánh không chỉ tác phong lề mề mà còn thể hiện ra bên ngoài của cái tư duy “tất cả đều là chuyện nhỏ” của một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng. Với tư duy ấy thì bao giờ mới hết trì trệ, lạc hậu?
Chợt liên tưởng đến chuyện xảy ra cách đây chừng 2 tuần. Hôm đó, một đơn vị tại TP HCM tổ chức tọa đàm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Buổi tọa đàm khai mạc lúc 8 giờ, theo thư mời. Tôi có việc với ban tổ chức nên đến sớm 30 phút. Thế nhưng, có người còn đến sớm hơn tôi. Ông đến lúc 7 giờ và ngồi uống cà phê ở quán vỉa hè trước cổng. Tôi được giới thiệu đó là ông H., chủ tịch UBND một tỉnh ở miền Tây. Ông nói đi từ 3 giờ sáng cho kịp. Chỉ là một buổi tọa đàm nhưng đó là vấn đề ông quan tâm và bổ ích nên dù tối qua phải làm việc tới hơn 22 giờ, ông vẫn tham dự.
Trò chuyện với ông, biết rõ công việc của ông nên tôi rất quý con người này. Người ta có trăm ngàn lý do để đổ thừa cho việc đi trễ. Nhưng cái lý do quan trọng nhất lại nằm ở nhận thức thì không ai muốn nhìn thẳng để khắc phục. Sửa sang lề lối làm việc, trước tiên chỉ cần đúng giờ thì xã hội đã được lợi biết bao!
Bình luận (0)